Thứ Ba tuần 23 Thường niên

Suy niệm 1 Cô-rin-tô 6:1-11

Lễ thánh Phê-rô Claver, linh mục

 

Anh em chẳng biết sao?  (1 Cô-rin-tô 6:3)

 

         Sau khi chất vấn tín hữu Cô-rin-tô về những việc làm vô luân, thánh Phao-lô nhắm thẳng vào những việc kiện tụng đang sôi nổi giữa các tín hữu.  Rõ ràng các phần tử của giáo hội Cô-rin-tô thấy khó có thể giải quyết được những tranh giành giữa họ là anh chị em với nhau trong Chúa Ki-tô, nên họ phải tìm đến cách giải quyết bằng luật lệ của chính quyền Rô-ma.  Do đó, thánh Phao-lô đã hỏi ba lần  “Anh em chẳng biết rằng…?” để nhắc nhở họ biết đời sống chúng ta sẽ phải như thế nào một khi mang dấu ấn sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

         Còn bạn thì sao?  Bạn chẳng biết rằng “Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ” (Rô-ma 1:16) hay sao?  Bạn chẳng biết rằng bạn đã “được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô” (1 Cô-rin-tô 6:11) hay sao?  Bạn chẳng biết rằng bạn thực sự có thể “cởi bỏ con người cũ” của bạn và “mặc lấy con người mới” đã được tạo dựng để nên giống Chúa (Ê-phê-xô 4:22,24) hay sao?

         Việc không còn nhận biết Tin Mừng chẳng những làm phai nhạt cảm nghiệm của chúng ta về sự hiện diện của Chúa, mà nó còn mở đường cho nhiều trục trặc khác.  Sa ngã này đưa tới sa ngã kia, cho đến khi chúng ta nhận ra tình trạng đã quá tồi tệ.  Thánh Phao-lô đã phải nhắc nhở tín hữu Cô-rin-tô rằng họ đã thuộc về Chúa Ki-tô, điều này không những giúp họ có một cái nhìn tích cực về người khác, mà còn giúp họ bắt đầu đối xử với nhau một cách kính trọng.  Mối quan tâm của Phao-lô là nếu họ bắt đầu tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần hơn là vào hệ thống luật pháp người đời, thì họ sẽ thấy dễ dàng hơn để giải quyết những tranh chấp một cách bình an và dễ thương.

         Câu chuyện này về giáo hội Cô-rin-tô cho chúng ta thấy mình cần đến Chúa Thánh Thần.  Khi chúng ta xin Người giữ chúng ta được sáng suốt về những chân lý “Anh em chẳng biết rằng…” trong Ki-tô giáo, đời sống chúng ta sẽ thay đổi.  Chúng ta mở rộng một viễn tượng thiên đàng để giúp chúng ta luôn vui vẻ giữa khó khăn.  Chúng ta sẽ tự nhiên cố gắng sống quảng đại trong những mối tương quan.  Chúng ta sẽ thấy dễ dàng hơn để cho thù hận qua đi và để tha thứ như Chúa Giê-su đã tha thứ cho chúng ta.  Chúa Thánh Thần muốn thuyết phục chúng ta rằng Tin Mừng đem lại sự sống dồi dào, chứ không phải chỉ tăng thêm một chút sự sống cũ đâu.  Vậy chúng ta hãy nâng tâm hồn lên với Chúa và xin Người tiếp tục tỏ cho chúng ta biết tất cả những gì thuộc về chúng ta trong Chúa Ki-tô.

 

         “Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã mặc khải Tin Mừng đầy sức mạnh, sức biến đổi và tự do.  Xin Cha ban cho con ơn biết sống trọn vẹn Tin Mừng và không rời xa những lời hứa của Cha”.