Thứ Hai tuần 29 Thường niên
Suy niệm Lu-ca 12:13-21
Lễ thánh Phao-lô Thánh giá, linh mục
Không
phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu. (Lu-ca 12:15)
Chúa Giê-su đã nói thật dài với đám đông dân chúng về những
giàu có phong phú đang chờ đợi những ai tin vào Người, những ai biết rằng họ được
Chúa Cha yêu thương và những ai phó thác cho Chúa Thánh Thần lo liệu. Nhưng rồi bỗng có kẻ ngắt lời Người. Anh ta đòi hỏi: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần
gia tài cho tôi”. Thật ngạc nhiên khi thấy
Chúa Giê-su không thở dài thất vọng!
Không kể thái độ thiếu tế nhị, việc ngắt lời như thế là những thứ gây
chia trí mà Chúa Giê-su biết nó chỉ làm cho người ta thêm nghèo nàn mà thôi.
Chúa Giê-su đã dạy rằng không phải việc thiếu thốn tiền bạc
của cải làm cho chúng ta thành nghèo nàn đâu.
Trái lại, bận bịu với những gì ta có và bao nhiêu ta có – cũng như làm
sao có thêm – mới làm cho chúng ta nghèo nàn.
Tại sao? Bởi vì bận bịu ấy khiến
chúng ta không còn chú tâm đến những thứ giàu có Chúa muốn ban cho chúng ta nữa. Nó lái tư tưởng và nỗ lực của chúng ta đi hướng
khác để chúng ta không muốn phục vụ Đấng tạo dựng chúng ta, và biến chúng ta
thành nô lệ cho những vật thụ tạo. Chúa
Giê-su không dạy rằng của cải là xấu xa và đáng khinh miệt. Tuy nhiên, Người minh định là “không phải vì
dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lu-ca 12:15).
Vậy điều gì là quan trọng đối với Chúa? Thứ nhất, đó là chúng ta phải biết được tình
Người yêu thương chúng ta cách riêng. Người
đã dựng nên chúng ta vì yêu và Người yêu thương chúng ta luôn luôn. Thứ hai là chúng ta thật quan trọng đối với Người,
quan trọng đến nỗi chúng ta tin được rằng Người luôn chăm sóc chúng ta. Thứ ba là Chúa Giê-su đã chết và sống lại để
chúng ta cảm nghiệm được ân sủng có sức biến đổi của Chúa trong đời sống chúng
ta. Và sau hết là tin tưởng vào tình
Chúa yêu chúng ta, chúng ta hãy hiến thân phục vụ và yêu thương những người chung
quanh, nhất là những người nghèo khổ.
Đó là những sự giàu có chúng ta có thể mải mê kiếm tìm, bất
kể chúng ta giàu hay nghèo phương diện vật chất. Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta có thể nói chúng
ta yêu mến Chúa. Nhưng tốt hơn, chúng ta
hãy lắng nghe Chúa bảo rằng Người yêu thương chúng ta rất nhiều! Mỗi lời Kinh Thánh đều trở thành một kho tàng
minh chứng tình yêu ấy và cho chúng ta biết phải cảm nghiệm tình yêu ấy sâu xa
hơn nữa. Đọc hạnh các thánh hoặc các
sách thiêng liêng, tham dự Thánh lễ… qua những cách này, chúng ta có thể tích
trữ cho mình những điều gì là thực sự quan trọng.
“Lạy Cha, xin Cha dạy
con biết tích lũy những của cải trên trời của Cha. Con tin Cha sẽ ban chúng cho con”.