Thứ Tư tuần 30 Thường niên

Suy niệm Ê-phê-xô 6:1-9

 

Hỡi kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này.  (Ê-phê-xô 6:5)

 

         Đây thực là một tư tưởng khiến người ta khó chịu!  Có thực thánh Phao-lô nhìn nhận chế độ nô lệ hay không?  Điều ấy xem ra chắc chắn như vậy, nhưng cũng có thể ngài đã không thấy vấn đề nô lệ là một đề tài nóng bỏng ở thời của ngài.  Sự kiện nô lệ đã quá thông thường đến nỗi ngài thấy không cần phải đề cập đến nhiều.  Nhưng dù ngài biết hay không biết về vấn đề ấy, thì giáo huấn của ngài cũng đã đặt nền móng cho một phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ trên toàn thế giới.

          Bạn có thể nhận ra giáo huấn mới này trong bài đọc hôm nay khi thánh Phao-lô bảo các người chủ của nô lệ:  “Người làm chủ…, đừng dọa nạt nữa, vì anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (Ê-phê-xô 6:9).

         Thật là cách mạng chứ!  Tại một nơi hầu hết mọi người thời Phao-lô đều coi các nô lệ của họ chỉ là vật sở hữu không hơn không kém, thì Phao-lô lại nói rằng mọi người đều xứng đáng được đối xử với sự tôn trọng và công bình.  Giống như một người nô lệ phải tôn trọng chủ mình thế nào, thì người chủ cũng phải đối xử cách tôn trọng với nô lệ của họ như những người anh chị em chứ không phải như những vật dụng.

         Thánh Phao-lô còn khai triển điểm này nhiều hơn trong thư gửi Phi-lê-môn.  Ô-nê-si-mô là một trong số các nô lệ của Phi-lê-môn, đã bỏ trốn và đến gõ cửa thánh Phao-lô xin ngài giúp đỡ.  Trong khi thánh Phao-lô đưa Ô-nê-si-mô trở về với Phi-lê-môn, ngài cũng khẩn khoản xin Phi-lê-môn hãy đối xử với Ô-nê-si-mô như một “người anh em” và một “người thân yêu” (Phi-lê-môn 16).

         Như thế, mặc dù thánh Phao-lô đã không cố gắng tẩy chay chế độ nô lệ, thì ngài cũng đã nhấn mạnh đến một trong những nguyên tắc chủ yếu thuộc vấn đề nô lệ.

         Quả thực là một thảm trạng khi chế độ nô lệ hoặc buôn người vẫn còn tồn tại ngày nay.  Mỗi năm có gần 800 ngàn người gồm cả đàn ông, phụ nữ lẫn trẻ em trên thế giới đã bị mua hoặc bán đi trong chế độ cưỡng bức lao động.  Từ những công nhân di trú làm nông trại ở Bắc Mỹ châu đến những nô lệ tình dục tại Phi châu, từ “giúp việc nhà” ở Âu châu đến những vụ cưỡng bách hiến bộ phận thân thể tại Á châu, người ta đang bị mua bán giống như trao đổi hàng hóa, bị cướp đi nhân quyền và nhân phẩm.

         Thật ra ít người trong chúng ta phải trực tiếp đối phó với tình huống ghê tởm này.  Nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm một cuộc thay đổi.  Chúng ta có thể cầu nguyện cho việc chấm dứt nạn buôn người.  Chúng ta có thể đóng góp cho những tổ chức hỗ trợ nạn nhân nô lệ.  Và có lẽ quan trọng nhất, chúng ta có thể hết lòng đối xử với mọi người chúng ta gặp bằng sự kính trọng, danh dự và phẩm giá.

 

         “Lạy Chúa, xin giải phóng mọi người đang bị làm nô lệ.  Xin giúp con nhận ra những cách xây dựng một nền văn hóa yêu thương và kính trọng”.