Chúa Nhật tuần II Phục Sinh
Suy niệm 1 Phê-rô 1:3-9
Anh em được chan
chứa một niềm vui khôn tả. (1 Phê-rô 1:8)
Hôm nay
là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Đây
là ngày đặc biệt để chúng ta suy gẫm và vui mừng trong tình yêu thương xót của
Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đây cũng
là dịp để chúng ta mừng gia nghiệp đời đời Chúa Giê-su đã đem lại cho chúng ta,
một “gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Phê-rô 1:4).
Tất cả
chúng ta đều biết thế nào là lòng thương xót.
Đó là ông thẩm phán tuy biết là bạn có tội, nhưng lại tha thứ cho bạn. Đó là bà mẹ dù biết bạn nói dối, nhưng vẫn
tha thứ cho bạn. Đó là Chúa Giê-su đang
phán “Tội của con đã được tha… Con hãy đi bình an” (Lu-ca 7:48, 50). Chính lòng thương xót đem đến cho bạn “niềm vui
chứa chan khôn tả” (1 Phê-rô 1:8).
Cựu Ước
dạy chúng ta về tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Khi Chúa ban cho Mô-sê mười Điều răn, Người hứa
tỏ lòng thương xót với ai yêu mến Người và vâng theo lời Người (Xuất Hành
20:6). Vua Đa-vít đã ca tụng Chúa là Đấng
“tha thứ”, “chữa lành” và “cứu chuộc” chúng ta, vì Người “từ bi và nhân hậu”
(Thánh Vịnh 103:3, 4, 8). Ngay đến các
ngôn sứ, những người thường nói về tàn phá và tai họa sẽ giáng xuống vì
“Ít-ra-en nổi loạn”, cũng nhắc đến ý muốn của Thiên Chúa là đổ tình yêu thương
xót xuống trên dân Người (I-sai-a 63:9;
Giê-rê-mi-a 3:12; Hô-sê
14:3; Mi-kha 7:18).
Giáo huấn
về tình yêu thương xót của Thiên Chúa càng sáng ngời hơn trong các sách Tin Mừng. Lòng thương xót xuyên suốt từng dụ ngôn, phép
lạ và lời giảng của Chúa Giê-su, cho đến khi tiến đến tuyệt đỉnh trên thập giá
lúc Người cầu nguyện: “Cha ơi, xin tha
cho họ” (Lu-ca 23:34).
Vậy bạn
hãy dừng lại một chút và tưởng tượng tình yêu thương xót của Chúa tuôn chảy vào
tâm hồn bạn. Bạn hãy nhìn mình là kẻ bất
toàn, tội lỗi như hiện thời. Giờ đây bạn
hãy nhìn Chúa Giê-su thanh tẩy bạn và ôm lấy bạn.
Nếu
chúng ta cố ý quên đi lòng thương xót của Chúa, thì mặc cảm và tủi hổ về tội lỗi
mình đã phạm có thể đè nặng chúng ta hơn.
Nếu chúng ta cố ý quên rằng mình là kẻ tội lỗi đang cần đến lòng thương
xót, thì chúng ta liều mình bị tội lỗi làm mù quáng và không còn vui hưởng được
suối nguồn tình yêu thương xót của Thiên Chúa nữa. Vậy chúng ta đừng khi nào quên nhé! Ước mong chúng ta luôn được vui mừng!
“Lạy Chúa Giê-su, con vui mừng trong lòng
Chúa thương xót! Xin giúp con trở nên một
dụng cụ của lòng thương xót để phục vụ những người chung quanh con”.