Thứ Hai tuần II Phục Sinh
Suy niệm Gio-an 3:1-8
Ông đừng ngạc
nhiên.
(Gio-an 3:7)
Vậy mà
ông Ni-cô-đê-mô vẫn ngạc nhiên! Chúa
Giê-su bảo ông rằng nếu muốn thấy Nước Thiên Chúa, thì ông phải “được sinh ra một
lần nữa bởi ơn trên” (Gio-an 3:3). Đúng
thế, Chúa Giê-su không nói về việc sinh ra thể xác; nhưng Người nói về việc sinh ra thiêng liêng.
Ý niệm
“được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” có thể xa lạ đối với ông Ni-cô-đê-mô
cũng như đối với chúng ta. Chúng ta sống
trong một thế giới tin tưởng vào những cảm giác thể lý, tức là những gì chúng
ta có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy hay nghe thấy.
Nhưng Chúa Giê-su đến để làm sống dậy những cảm nhận thiêng liêng của
chúng ta, để chúng ta có thể “thấy” Người và “chạm đến” Người một cách sâu xa
hơn. Người đến để dạy chúng ta bước đi bằng
đức tin chứ không phải bằng nhìn thấy.
Vậy
“sinh ra bởi Thần Khí” nghĩa là gì? Nhiều
ý nghĩa lắm! Sau đây chỉ là một ít thôi.
Thứ nhất,
sinh ra bởi Thần Khí làm cho chúng ta thành những bình chứa đựng Thánh Thần. Nghĩa là Chúa Thánh Thần sống trong chúng ta,
luôn sẵn sàng khích lệ chúng ta, nhắc nhở chúng ta về tội lỗi, cho chúng ta đầy
tràn bình an và giục lòng chúng ta thi hành thánh ý Người. Việc này có nghĩa là chúng ta được Thánh Thần
dẫn dắt thay vì bị lôi kéo do những ước muốn và xu hướng của bản chất sa ngã.
Thứ
hai, sinh ra bởi Thần Khí nghĩa là chúng ta có thể bắt đầu suy nghĩ như Chúa
Giê-su suy nghĩ, tức là có “tâm trí của Chúa” (1 Cô-rin-tô 2:16). Chúng ta có thể phản ứng bằng thái độ cay đắng,
giận dữ, hoặc trả thù khi bị xúc phạm, nhưng Thánh Thần có thể dạy chúng ta
nhìn người xúc phạm đến chúng ta như một người được Thiên Chúa dựng nên và cũng
được Người yêu thương. Thánh Thần có thể
dạy chúng ta mau chóng tha thứ, phân biệt rõ ràng hơn điều lành với điều dữ và
sẵn sàng để phục vụ hơn là mong được phục vụ.
Sau
cùng, sinh ra bởi Thần Khía nghĩa là trở nên khác – ít nhất khác với cái nhìn của
thế gian! Ông Ni-cô-đê-mô đã nhận ra điều
gì đó rất độc đáo nơi Chúa Giê-su. Có phải
là những phép lạ không? Có phải là cảm
nhận bình an không? Hoặc có phải là cách
thức lời Chúa Giê-su âm vang trong tâm hồn ông không? Bất kể đó là gì, chúng ta đều có thể chắc chắn
rằng người khác sẽ nhận ra điều gì đó khác thường nơi chúng ta khi chúng ta sống
gần Chúa – rồi họ sẽ thắc mắc. Họ sẽ
nhìn thấy chúng ta đang sống theo những tiêu chuẩn khác và điều ấy sẽ giúp họ dễ
dàng đón nhận Tin Mừng của Chúa Ki-tô hơn.
“Lạy Chúa, xin mở cặp mắt thiêng liêng của
con. Lạy Chúa Thánh Thần, hôm nay con cần
Chúa nhiều hơn”.