Thứ Tư tuần I mùa Vọng

Lễ thánh An-rê, tông đồ

 

Suy niệm Mát-thêu 4:18-22

 

Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.  (Mát-thêu 4:22)

 

          Việc thông tin bằng mặt bằng lời không còn thông dụng như xưa nữa có phải không?  Chúng ta có thể suốt ngày lo gửi e-mail, nhắn tin hoặc nói điện thoại.  Những mạng lưới xã hội như Facebook và Twitter giúp chúng ta liên lạc với nhau mà không cần đến gặp mặt nữa.  Một số người chúng ta còn thoải mái làm việc ngay tại nhà (hoặc cô độc tại nhà) nên họa hiếm mới có dịp gặp gỡ nhau.  Thậm chí việc mua hàng qua mạng cũng có thể khiến chúng ta không còn gặp mặt những người bán hàng ở các góc phố gần nhà nữa.

          Tất cả những kỹ thuật tân tiến này giúp cho cuộc sống tiện lợi hơn.  Nhưng sẽ xảy ra điều gì, nếu như hai ông An-rê và Si-môn Phê-rô chỉ gặp gỡ Chúa qua mạng, thay vì gặp Người mặt đối mặt?  Bạn có nghĩ là nếu gặp qua mạng, các ông sẽ có được ấn tượng thật sâu xa như trong bài Tin Mừng hôm nay không?

          Thực ra đây không phải là lần đầu tiên các ông đã thấy Chúa.  Trước đây, ông Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu An-rê với Chúa Giê-su và An-rê đã dành nguyên một ngày để ở lại với Chúa rồi.  Đến lượt An-rê giới thiệu Si-môn với Chúa Giê-su và Chúa đặt tên ông này là Kê-pha, hoặc Phê-rô (Gio-an 1:35-42).  Cuộc sống của hai anh em thay đổi vì họ đã dành ngày tháng ở lại với Chúa Giê-su.

          Hôm nay khi mừng lễ thánh An-rê, chúng ta hãy nhớ rằng việc gặp gỡ trực tiếp là trọng tâm của rao giảng Tin Mừng.  Trong một bài nói chuyện mùa Vọng ba năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói:  “Điều quan trọng nhất có thể xảy ra cho một người, đó là gặp gỡ Chúa Giê-su, Đấng yêu thương chúng ta, cứu độ chúng ta và thí mạng sống mình vì chúng ta”.  Chúng ta không thể chỉ ngồi đấy mong đợi những người chung quanh thâu thập được đủ thông tin để trở thành môn đệ Chúa.  Nhưng chúng ta cần phải giới thiệu họ cho Chúa Giê-su, giống như An-rê đã giới thiệu Phê-rô cho Chúa.

          Đem một người đến với Chúa Ki-tô không nhất thiết là việc khó làm.  Dĩ nhiên chúng ta có thể cầu nguyện cho người ta và nói với họ về tình yêu Thiên Chúa.  Nhưng đôi khi chúng ta tiến tới thêm bằng cách biểu lộ tình thương phản ánh tình yêu Thiên Chúa.  Lắng nghe người khác cũng có thể hữu hiệu như cầu nguyện vậy.  Một cử chỉ thân tình ấm áp có tiếng nói mạnh hơn một bài giảng về tội lỗi.  Một lần mời đi ăn trưa có thể còn gây ảnh hưởng mạnh hơn cả một bài thuyết trình về những chân lý Tin Mừng.

          Lòng tử tế, quảng đại, cảm thông, chính những chìa khóa này sẽ mở ra những kho tàng của Tin Mừng!

 

          Lạy Chúa, xin Chúa sai con đến với một người đang cần gặp Chúa hôm nay”.