Thứ Tư tuần 3 Thường niên

Lễ kính thánh Phao-lô tông đồ trở lại

 

Suy niệm Mác-cô 16:15-18

 

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.  (Mác-cô 16:15)

 

          Từ trong bóng tối, một người rình rập đang khi một nhóm Ki-tô hữu họp nhau tại nhà một người trong nhóm để cầu nguyện.  Anh ta yên lặng chờ đợi cơ hội, và khi thấy cơ hội đến, anh ta ló ra khỏi bóng tối, xông vào nhà và bắt họ hết thảy.

          Thật khó mà tưởng tượng một kẻ thù nhiệt tâm như thế lại có lúc đón nhận những người những người anh ta đã bắt cũng như tiếp nhận đức tin của họ.  Nhưng đó là những gì chúng ta mừng lễ hôm nay:  việc trở lại của thánh Phao-lô tông đồ!

          Câu chuyện thánh Phao-lô có thể khích lệ chúng ta thật nhiều khi chúng ta kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Ki-tô giáo.  Dường như khi nhìn vào khắp nơi trong Giáo Hội, chúng ta đều thấy có sự chia rẽ:  những tranh luận về giáo lý, những xung đột cá nhân, những bất đồng về phụng vụ, thậm chí ngay những xung đột về phục vụ người nghèo nữa.  Những thử thách có thể sâu xa đến nỗi chúng ta bị cám dỗ thà cứ giữ nguyên tình trạng chia rẽ ban đầu hơn là dấn thân hành động cho sự hòa giải.

          Nhưng câu chuyện thánh Phao-lô cho chúng ta thấy Chúa Giê-su có thể can thiệp vào ngay cả một tình thế khó khăn nhất.  Phải, Chúa đã nhận thấy lòng thù hận và đối nghịch của Phao-lô, nhưng Chúa cũng nhận thấy lòng nhiệt thành và hăng say của ngài.  Thay vì kết án Phao-lô về những điểm tiêu cực, Chúa đã định hướng lại những điểm tốt của ngài, biến Phao-lô thành một lời công bố sống động Tin Mừng cho toàn thế giới!

          Khi nghĩ đến sự hiệp nhất, có thể bạn cảm thấy mình khá hơn Phao-lô khi ngài chưa trở lại.  Đúng thế, bạn đã không đi đây đó bắt bớ những người bất đồng với bạn.  Nhưng có lẽ bạn lại có những thái độ tinh vi hơn như chướng ngại cản trở trên đường hiệp nhất:  có thể cách cầu nguyện của một người cùng giáo xứ với bạn làm cho bạn khó chịu.  Hoặc có thể bạn mau lẹ nhập bọn với những người phê phán tiêu cực về giáo xứ ở cuối phố.  Những điều ấy xem ra không có gì là to lớn, nhưng ngay cả những điều nhỏ cũng có thể tạo ra một hậu quả lớn.

          Chúa Giê-su yêu mến sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu.  Người muốn giúp mỗi người chúng ta trực tiếp cảm nghiệm được thế nào là “anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp bao là đềm êm” (Thánh Vịnh 133:1).  Vậy chúng ta hết thảy hãy hành động cho sự hòa giải, bắt đầu với chính bản thân.  Chúng ta hãy cầu nguyện để có ngày mọi chia rẽ được nhổ tận rễ và chúng ta có thể cùng nhau sống như một gia đình!

 

          “Lạy Chúa Giê-su, Chúa khao khát có sự hiệp nhất hơn là con tưởng.  Xin Chúa cho con cũng ước ao như Chúa, là cho mọi người được nên một, và xin Chúa giúp con làm tất cả những gì có thể để làm cho sự hiệp nhất ấy được thể hiện”.