Thứ Ba tuần 9 Thường niên

Suy niệm Mác-cô 12:13-17

 

Của Xê-da, trả về Xê-da;  của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.  (Mác-cô 12:17)

 

          Cứ coi như đây là một câu hỏi gài bẫy.  Những người thuộc phe Hê-rô-đê và những người Pha-ri-sêu muốn gài bẫy Chúa Giê-su bằng cách hỏi một điều dù Người trả lời cách nào thì cũng khiến cho người ta nổi giận.  Câu hỏi là “Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?” (Mác-cô 12:14).  Câu trả lời của Chúa Giê-su hoặc sẽ làm dân chúng nổi giận hoặc sẽ chống đối người Rô-ma.  Nhưng Chúa Giê-su không ưa tranh luận.  Trái lại, Người đưa câu chuyện trở lại với Cha Người.

          “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” (Mác-cô 12:16).  Khi sử dụng từ “hình ảnh”, Chúa Giê-su vượt ra ngoài vấn đề thuế má.  Rõ ràng đồng tiền mang hình ảnh vua Xê-da là đồng tiền thuộc về nhà vua.  Nhưng còn cái gì hoặc ai thì mang hình ảnh của Thiên Chúa?  Cái gì hoặc ai thì thuộc về Thiên Chúa?

          Là chúng ta chứ còn ai nữa!  Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Người (Sáng Thế 1:27).  Các nhà lãnh đạo Do-thái đang hỏi Chúa Giê-su đều đã biết rõ câu Kinh Thánh này.  Nên họ mới “hết sức ngạc nhiên” về cách Chúa Giê-su lật ngược thế cờ (Mác-cô 12:17).  Nhưng Chúa Giê-su không muốn làm cho họ câm miệng.  Người chỉ muốn nhắc nhở họ:  các bạn đang thuộc về Thiên Chúa đấy.

          Chúng ta cũng thuộc về Thiên Chúa.  Cho nên cuộc sống chúng ta chẳng phản ảnh điều ấy sao?  Nhưng “hãy trả về Thiên Chúa” chính con người chúng ta có ý nghĩa gì? 

          Thứ nhất, điều ấy không có nghĩa rằng chúng ta là một vật sở hữu mà Thiên Chúa muốn đòi lại.  Không phải đâu, nhưng chúng ta là những con cái được trân quý của Người.  Người yêu thương chúng ta;  chúng ta thuộc về Người như đứa con thuộc về cha nó.  Đây là mối tương quan dựa trên căn bản tình yêu chứ không phải quyền sở hữu.

          Cho nên ý nghĩa đích thực của điều ấy là chúng ta hoàn toàn hiến mình cho Chúa.           Hiến mình thế nào?  Bằng cách để Chúa lôi kéo chúng ta lại gần Người.  Bạn thử nghĩ xem mình thấy thế nào khi cảm nhận gần gũi với người bạn đời hoặc người thân yêu trong gia đình bạn.  Tình yêu thương bạn dành cho người ấy chẳng phát triển sao?  Có thể bạn sẽ cảm thấy bình an.  Có thể bạn cảm thấy trái tim ấm áp hơn dành cho người ấy.  Chúng ta biết Chúa yêu thương chúng ta, nên chúng ta được thúc giục hãy yêu mến Người trở lại.  Chúng ta nhận biết lòng nhân lành của Chúa dành cho chúng ta, nên chúng ta cũng muốn tốt với những người chung quanh.

          Được lôi kéo đến gần Chúa trong cầu nguyện biến cầu nguyện thành niềm vui để “trả về Thiên Chúa” vì tất cả những điều tốt lành Chúa đã làm cho chúng ta (Thánh Vịnh 116:12).

 

          “Lạy Chúa, xin kéo con đến gần Chúa.  Con dâng đời sống con cho Chúa, quá khứ, hiện tại và tương lai của con”.