Thứ Ba tuần 11 Thường niên

Suy niệm Mát-thêu 5:43-48

 

Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.  (Mát-thêu 5:44)

 

          Đã bao nhiêu lần bạn nghe những lời này của Chúa Giê-su và cảm thấy hoàn toàn bất lực?  Trong cuộc đời, tất cả chúng ta đều có người nào đó chúng ta không thể yêu thương hoặc tha thứ, vì người đó đã làm chúng ta bị tổn thương nặng nề đến nỗi chúng ta cương quyết mang những vết thương ấy suốt quãng đời còn lại.

          Chính những ký ức này, những sợ hãi này, thậm chí những thù hận này là những thứ Chúa muốn chữa lành chúng ta.  Người biết chúng ta sẽ không khi nào tìm được sức mạnh để tự mình đối phó với chúng.  Người cũng biết có những tình huống cho thấy ráng làm hòa thì quả là thiếu khôn ngoan, nhưng ngay trong những tình huống ấy Chúa lại có thể giúp chúng ta tha thứ từ một khoảng cách an toàn, để chúng ta có thể đi lại tự do.

          Vậy Chúa Giê-su chữa lành chúng ta thế nào?  Không phải tựa như pháp thuật làm biến đi mọi sự trong tích tắc.  Nhưng Người chữa lành khi chúng ta mời Người bước vào những ký ức đau thương của chúng ta.  Nếu bạn thấy mình đang phải phấn đấu với một kỷ niệm đau buồn, hãy dành chút thời gian yên lặng ngồi lại với Chúa.  Hãy nói với Người là bạn muốn được chữa lành.  Trong tâm hồn bạn, hãy hình dung Chúa Giê-su đang ngồi với bạn và với người làm bạn bị thương tổn.  Bạn hãy xem Người yêu thương bạn và Người cũng yêu thương kẻ làm cho bạn đau buồn.  Hãy để tình yêu của Chúa rửa sạch và chữa lành đau đớn của bạn.  Đôi khi chúng ta phải lập lại điều này một ít lần, rồi có thể chúng ta cần đến một người bạn tin cậy được để họ giúp cầu nguyện với chúng ta.  Nhưng việc chữa lành chắc chắn xảy ra.

          Phải, Chúa Giê-su muốn chúng ta yêu thương kẻ thù.  Người còn truyền lệnh đó.  Nhưng Người không để mặc chúng ta phải tự mình tìm cách thực hiện.  Người ở với chúng ta từng bước một, để chữa lành và an ủi chúng ta.  Chúa biết mỗi người chúng ta phải đi bao lâu trên cuộc hành trình này và Người sẵn sàng đồng hành với chúng ta.  Người không e ngại nỗi đau của chúng ta, thậm chí cả sự thù hận của chúng ta.  Nhưng Người chỉ muốn thấy một tâm hồn cởi mở và một lời mời gọi.  Người muốn giải phóng chúng ta.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, con đón tiếp Chúa vào trong tâm hồn con.  Con đón Chúa vào trong những ký ức đau đớn của con.  Lạy Chúa, xin hãy đến và dạy con yêu thương và tha thứ.  Chúa là vị lương y vĩ đại, nên con tín thác nơi Chúa”.