Thứ Ba tuần II Phục
Sinh
Suy niệm Công Vụ
Tông Đồ 4:32-37
Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn. (Công Vụ Tông Đồ 4:34)
Giáo Hội sơ khai thật là lý tưởng! Mọi sự được giữ làm của chung. Tin Mừng đã được loan truyền mạnh mẽ. Mọi người vui trong ân sủng Chúa. Những người giàu có bán hết tài sản đi và đem
tiền đến cho các Tông Đồ. Đây quả là một
gương mẫu thế nào là một cộng đồng mang tính Ki-tô đích thực, hoặc thế nào là
một cộng đoàn gồm những tín hữu chính danh và chân thật.
Nhưng bạn hãy nhìn lại coi.
Ở đầu danh sách, thánh Lu-ca bảo chúng ta rằng các tín hữu “chỉ có một
lòng một ý” (Công Vụ Tông Đồ 4:32). Cộng
đồng tuyệt vời ngài mô tả ở đây không phải là một phép lạ nói lên sự hiệp nhất
nhân loại, nhưng là kết quả của việc Chúa Thánh Thần ở với họ, Đấng duy nhất có
thể đem lại một sự biến đổi như thế nơi đời sống dân chúng.
Thánh Lu-ca không có ý đưa ra một gương mẫu để chúng ta
thực hiện đúng theo hình ảnh ngài đã mô tả về những gì có thể xảy ra khi chúng
ta để Chúa Thánh Thần đến và dẫn dắt chúng ta.
Trong Giáo Hội sơ khai, “một lòng một ý” dường như có nghĩa là đời sống
cộng đồng của các tín hữu. Ngày nay sự
hiệp nhất nội tâm ấy có lẽ đã hơi khác rồi, do những khác biệt trong xã hội và
các cơ chế kinh tế hiện tại.
Nhưng dù có khác nhau về những chi tiết trong đời sống
chúng ta như một Giáo Hội, thì sự hiệp nhất vẫn là chìa khóa, một sự hiệp nhất
đặt nền móng trên ý thức lắng nghe Chúa Thánh Thần. Đó là một ý thức cùng nhau làm việc, tôn
trọng lẫn nhau, lòng trí tuân theo Chúa và những giáo huấn của Giáo Hội
Người. Còn hơn bất cứ lối sống cộng đồng
nào, ý thức này là tâm điểm của sự hiệp nhất mà Chúa muốn thấy nơi chúng ta.
Bài đọc hôm nay bảo chúng ta rằng nếu chúng ta để cho Chúa
Thánh Thần đến đầy lòng chúng ta và dẫn dắt chúng ta, sự hiệp nhất sẽ triển nở
tại gia đình, nhóm cầu nguyện và các đoàn thể trong giáo xứ. Sự hiệp nhất ấy không tự nhiên mà có, nhưng
sẽ phát triển có quy củ khi chúng ta cùng nhau học lắng nghe Chúa Thánh
Thần. Chì Người mới có sự khôn ngoan để
dạy chúng ta phải làm thế nào. Chỉ Người
mới cho chúng ta thấy phải có sự hiệp nhất như thế nào trong đời sống hằng ngày
của chúng ta. Kính trọng, tôn kính và
cộng tác là những lý tưởng vĩ đại trên bình diện con người. Nhưng đối với Chúa, sự hiệp nhất một lòng một
ý vẫn có thể trở thành một thực tại sống động!
“Lạy Chúa Thánh Thần,
xin dạy con biết kết hiệp với Chúa trong tâm trí con, để con có thể một lòng
một ý với anh chị em con”.