Thứ Sáu tuần 26 Thường niên
Suy niệm Gióp 38:1,12-21; 40: 3-5
Bấy
giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp. (Gióp 38:1)
Không còn vòng vo tam quốc nữa. Trên phương diện thể lý hay tâm lý, mỗi người
chúng ta sẽ gặp đau khổ vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Đó là một phần của cuộc sống ở trần gian này,
một điều đã cũ xưa mà Gióp biết rất rõ.
Thêm vào trận bão tố bất hạnh của ông, Gióp cũng phải chịu đựng những lối
triết lý không căn bản của các bạn ông.
Hết diễn từ này sang diễn từ khác, họ đã cố thuyết phục ông là ông đang
bị trừng phạt vì bao tội lỗi giấu ẩn và ông nên rời xa một vị Thiên Chúa tàn ác
như vậy. Nhưng Gióp vẫn kiên vững.
Cuối cùng, Thiên Chúa đã xuất hiện và làm cho những người
này câm miệng. Người nhắc nhở Gióp rằng
Người là Đấng tạo dựng muôn loài, nên Người luôn luôn kiểm soát chúng. Gióp đã không phạm tội, và việc ông không khi
nào quay lưng bỏ Chúa đã làm cho sự công chính của ông càng sáng chói hơn.
Trong Tông thư Salvifici
doloris, Chân phước Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã viết rằng sách Gióp
“không phải là lời cuối cùng về đề tài này… Chắc chắn sách tiên báo về cuộc
Thương khó của Đức Ki-tô”. Chúa Giê-su,
mặc dù vô tội, đã chịu đau khổ đắng cay, bị các bạn phản bội. Rồi trong đau khổ, Người không những cứu độ
chúng ta mà còn mặc khải sức mạnh cứu độ nhờ mọi khó khăn và đau khổ nữa. Để giải thích điều này, cha Raniero
Cantalamessa, người giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng, đã hỏi: “Bạn làm gì để bảo đảm với một người nào đó rằng
một đồ uống đặc biệt không có chất độc trong đó? Trước hết bạn đích thân uống nó trước mặt người
ấy. Đó là điều Thiên Chúa đã làm cho
nhân loại: Người đã uống chén đắng cuộc
Thương khó… Ở dưới đáy chén, phải có một viên ngọc. Chúng ta biết tên của viên ngọc quý ấy, chính
là sự Phục sinh!”
Cả hai nhà tu đức này đều cho chúng ta thấy cách tốt nhất để
ứng phó với đau khổ là hãy tìm cho ra mục đích cứu độ và nâng đỡ của nó. Chúng ta còn có thể “chuộc lại” những đau khổ
của mình theo cách đó, cho người ta thấy là những đau khổ kia không thể sai khiến
chúng ta được đâu. Cũng như Gióp, chúng
ta có thể quyết định hóa giải những bão táp cuộc đời bằng cách bám chắc lấy niềm
hy vọng và lòng tin vào Chúa. Rồi nếu
như mọi sự khác đều thất bại, thì chúng ta vẫn có thể nhớ lại số phận cuối cùng
của chúng ta, là: “Tôi biết rằng Đấng
bênh vực tôi vẫn sống… với tấm thân, tôi sẽ được ngắm nhìn Người” (Gióp
19:25,26).
“Lạy Chúa Giê-su, xin nắm tay con và cho con được mạnh mẽ vượt qua những tình huống khó khăn của đời con. Xin Chúa dạy con biết đứng vững. Xin cho con đừng bao giờ không nhìn thấy Chúa!”