Thứ Tư tuần 27 Thường niên
Suy niệm Ga-lát 2:1-2,7-14
Tôi
đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. (Ga-lát 2:11)
Đối diện với một bất đồng quan điểm sâu xa, những Ki-tô hữu
tiên khởi đã tìm đến với Chúa: vấn đề là
những anh em dân ngoại có phải chịu cắt bì và gắn bó với Luật Mô-sê không? Các Tông đồ đã giải quyết khủng hoảng này một
cách bình an khi nghe những tường thuật trực tiếp về việc Chúa đã hoạt động
theo một đường lối mới (Công Vụ Tông Đồ 11).
Tuy nhiên, qua sự kiện thánh Phao-lô kể lại trong bài đọc
hôm nay, dường như cả ngài lẫn Phê-rô đều không hành động theo bác ái cho lắm. Thánh Thần rõ ràng đã dẫn dắt Phê-rô rao giảng
cho dân ngoại tại Xê-da-rê-a (Công Vụ Tông Đồ 10). Nhưng sau đó tại An-ti-ô-ki-a, ông Phê-rô do
áp lực của nhóm ly khai đã ngả theo họ vì họ cho rằng người Do-thái không nên
ăn uống với dân ngoại. Bởi Phê-rô đứng đầu
các Tông đồ, nên việc làm của ông gây gương xấu cho nhiều người.
Thánh Phao-lô đã phản ứng nhanh chóng. Thay vì đưa thánh Phê-rô ra một nơi khác để
thảo luận riêng với ngài, ngài lại trách cứ thánh Phê-rô công khai, làm mất mặt
người anh em Tông đồ và người lãnh đạo Giáo Hội. Xem chừng ngài đã quên mất lời dạy của Chúa
Giê-su về việc sửa lỗi anh em (Mát-thêu 18:15-17).
Bất kể lỗi lầm của cả hai vị Tông đồ, việc can thiệp của
Phao-lô đã thành công vì cả Phê-rô lẫn Phao-lô đều hết lòng thực thi sự tha thứ. Có lẽ Phao-lô đã xin lỗi Phê-rô về những lời
lẽ quá đáng của mình. Về phần Phê-rô, hầu
như ngài đã chấp nhận việc sửa lỗi đó và khiêm nhường nhìn nhận hành động của
ngài đã làm tổn thương đến sự hiệp nhất Ki-tô giáo. Có lẽ chúng ta không biết được hết mọi chi tiết,
nhưng vẫn có thể chắc chắn rằng cuối cùng hai vị đã giữ được lòng kính trọng
nhau thật sâu xa (2 Phê-rô 3:15).
Nếu bạn thấy một tín hữu khác làm điều gì khiến bạn cho là
sai trái, trước hết bạn hãy cầu nguyện.
Bạn có thể khám phá ra rằng người này thực sự đang theo sự dẫn dắt của
Chúa Thánh Thần. Nếu bạn vẫn còn khó chịu,
hãy bày tỏ mối bận tâm của bạn cách riêng tư với người đó. Bạn thử tìm ra điều tốt bạn nhận thấy nơi người
ấy, rồi hãy nói về vấn đề đó nhưng tuyệt đối không lên án. Bạn hãy thận trọng lắng nghe nhau; rồi cùng nhau cầu nguyện. Nếu bạn không đi tới ngay một giải quyết được,
cứ để lại vấn đề ở đó và đồng ý tiếp tục cầu nguyện. Như thánh Phê-rô và Phao-lô cho chúng ta thấy,
Chúa tỏ ra chân lý của Người trong sự hiệp nhất chứ không phải trong sự chia rẽ.
“Lạy Cha, con không
luôn làm đúng, nhưng con muốn sống hòa hợp với anh chị em. Xin Cha giúp con biết mở lòng đón nhận và thực
hành việc sửa lỗi trong tình yêu thương”.