Thứ Sáu tuần 4 Thường niên
Suy niệm Mác-cô 6:14-29
Con gái
bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui
thích. (Mác-cô 6:22)
Theo ông Josephus, sử gia Do-thái, tên của cô gái là
Sa-lô-mê. Cô còn trẻ, có lẽ chỉ mười hai
tuổi, giống như cô bé được Chúa Giê-su cho sống lại từ kẻ chết. (Thánh sử Mác-cô sử dụng cùng một từ Hy-lạp
để nói về họ trong 5:42 và 6:22,28).
Nhưng giống như một vũ nữ lành nghề, cô gái này đã biết cách làm cho đám
mày râu sảng khoái. Cô cũng biết một
chút về sự tàn bạo nữa. Khi được mẹ dạy
hãy xin cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả ,
Sa-lô-mê còn đi xa hơn bằng cách muốn có phần thưởng “ngay lập tức” và “để trên
đĩa” (6:25).
Có phải Sa-lô-mê thuộc loại “rau nào sâu ấy”, đặc biệt
hướng chiều về tội lỗi không? Đúng vậy,
là phần tử của gia đình Hê-rốt, cô ấy thực sự sống gần mực thì đen. Cô ấy là chắt của một ông vua tàn bạo đã hành
quyết một trong mười bà vợ và ba đứa con trai của mình. Hê-rốt An-ti-pa, cha kế của cô là người quỷ
quyệt và đồi bại, chính Chúa Giê-su đã gọi ông ta là “con cáo” (Lu-ca
13:32). Mẹ của cô, Hê-rô-đi-a, mang
những hận thù cay độc và tìm cách leo lên địa vị xã hội bằng cách liên tiếp kết
hôn với hai người chú của mình.
Gia đình Hê-rốt, và bây giờ là mẹ con Hê-rô-đi-a, đã làm
những việc tày trời khiến cho người ta tha hồ xét đoán. Nhưng chúng ta hãy nhìn câu chuyện bi thảm
này như một lời kêu gọi chúng ta hãy nhận định “vùng đất ươm trồng” của chính
gia đình mình.
Bạn hãy nhìn vào đời sống gia đình bạn hôm nay, nhưng dưới
ánh sáng tình yêu và lòng từ bi của Chúa.
Chúng ta có thể dễ dàng dồn hết mọi chú ý vào những lãnh vực nào cần
được thay đổi. Nhưng việc ấy có thể làm
chúng ta thất vọng hoặc tê liệt. Cho nên
thay vì thế, bạn hãy chú ý đến những phương diện tích cực của đời sống gia đình
bạn. Hãy liệt kê và rút ra một điểm để
khen ngợi con cái bạn về điểm tốt bạn nhận thấy nơi chúng. Rồi bạn cũng chỉ chọn lấy một hoặc hai điểm
tiêu cực cần phải sửa đổi. Bạn hãy khai
triển một chương trình để giảm đi một trong những điểm nói trên trong vòng ít
tuần lễ tới để xem bạn đi tới đâu. Nhưng
trên hết, hãy có thái độ khuyến khích.
Hãy tràn đầy hy vọng.
Trong đời sống thiêng liêng, cũng giống như việc làm vườn,
chính Chúa mới là Đấng làm cho lớn lên.
Nhưng chúng ta có thể trồng, có thể tưới và cho phân bón. Chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể để
cho hạt giống một cơ hội. Rồi chúng ta
hãy cầu nguyện cho một mùa gặt phong phú.
“Lạy Cha, xin thương xót tất cả những thanh thiếu niên không được ai
che chở và dạy dỗ để biết đi theo đường lối Chúa”.