Thứ Bảy tuần 2 Thường niên

Suy niệm Mác-cô 3:20-21

 

Đám đông lại kéo đến.  (Mác-cô 3:20)

 

          Chắc chắn phải rất khó khăn cho gia đình Chúa Giê-su để hiểu được lối sống của Người.  Hầu như lúc nào Người cũng bị đám đông dân chúng vây quanh, gặp rắc rối với các nhà lãnh đạo Do-thái, rồi làm việc và cầu nguyện thật lâu vào ban đêm.  Đoạn Tin Mừng này đưa ra thêm một thí dụ nữa cho chúng ta thấy Chúa Giê-su vất vả như thế nào.  Khi Người từ trên núi trở về gần đến nhà với những tông đồ vừa được chỉ định, thì một đám đông dân chúng khác đã tề tựu và chờ đợi Người rồi.  Chạnh lòng thương, Người đã dành thời giờ và chú tâm đến họ, Người chẳng được nghỉ để ăn uống nữa!

          Gia đình Chúa Giê-su đã lo lắng là có lẽ Người đã không còn biết xét đoán sao cho đúng nữa.  Có thể Người đã mất trí rồi!  Họ sợ rằng Chúa Giê-su không có được cuộc sống mạnh khỏe và quân bình, còn Chúa Giê-su thì chỉ quan tâm đến Nước Thiên Chúa thôi.  Người không muốn điều gì khác ngoài việc chăm sóc cho mọi kẻ đến với Người, lo lắng đến nỗi mặc cho gia đình hiểu lầm về Người.

          Giống như Chúa Giê-su đã không lánh mặt khi đám đông tụ họp bên ngoài nhà mình, Người cũng không lánh mặt khi chúng ta đến với Người và mang theo những yếu đuối của mình, hoặc bất kể chúng ta có thường xuyên đến với Người hay không.  Người không từ chối chúng ta, nhưng nhận lấy mọi yếu đuối của chúng ta.  Người mang lấy thịt máu chúng ta để chữa lành cho chúng ta.  Gia đình đích thực của Người là những ai vì có lòng tin nên đến với Người, tin rằng Người đã từ Chúa Cha mà đến để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và bóng tối.

          Chúng ta sắp kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Ki-tô giáo.  Niềm hy vọng hiệp nhất với những anh chị em Ki-tô hữu khác có thể mong manh đối với chúng ta ngày nay như một giấc mơ xa vời.  Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cầu nguyện.  Chúng ta vẫn phải tin rằng mình sẽ tìm được câu trả lời cho những chia rẽ, khi nhìn vào tận trái tim Chúa Ki-tô và cầu xin Người giải thoát chúng ta khỏi những thái độ và định kiến gây nên ngăn cách.  Chỉ khi đến với Chúa Giê-su như đám đông dân chúng đã đến, chúng ta mới hiểu thêm được những ý định của Người và để Người dẫn chúng ta tới sự hiệp nhất sâu xa hơn.

 

          “Lạy Cha, xin dạy chúng con biết đến gần Chúa Giê-su, Đấng đã trở nên một với chúng con.  Xin Cha giúp chúng con bước đi trong tinh thần cảm thông, chịu đựng và hiệp nhất với anh chị em Ki-tô hữu khác, cho đến khi chúng con được thấy Chúa mặt đối mặt”.