Thứ Sáu tuần 5 Thường niên

Suy niệm Mác-cô 7:31-37

 

Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả:  ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.  (Mác-cô 7:37)

 

          Có bao giờ bạn nhìn một đứa bé tập nói chưa?  Nó chăm chú nhìn miệng cha mẹ uốn nên lời như thế nào.  Nó ráng lập lại các âm đã nghe.  Chẳng bao lâu, nó nói được những lời chỉ về người và những đồ vật trong thế giới của nó.

          Nhưng đôi khi tiến trình này dường như kéo dài.  Đứa bé không biết bập bẹ, mà chỉ rên rỉ. Nó không nhìn về hướng phát ra tiếng nói.  Những tiếng ru em cũng không giúp nó yên được.

          Thấy những khó khăn ấy, cha mẹ cố gắng thử xem nó có bị vấn đề về thính giác không.  Thường thì với kỹ thuật tân tiến bây giờ, sử dụng những dụng cụ trợ thính và cách chữa trị về nói, có thể giúp khả năng nói của đứa nhỏ được hoàn bị.  Có lý đấy chứ phải không?  Bạn càng nghe được thì bạn càng nói được.

          Đó chẳng phải là điều đã xảy ra như trong bài đọc Tin Mừng hôm nay sao?  Người được chữa lành là một người điếc, rồi tật điếc ấy đưa tới tình trạng câm.  Cho nên ngay khi Chúa Giê-su mở tai cho anh ta, thì tật câm biến mất và người ấy có thể nói rõ ràng.

          Có lẽ bạn cũng quan tâm đến một “trở ngại nói năng” nào đó của chính mình.  Có thể một người bạn bè biểu lộ những thiên kiến chống lại Giáo Hội mà bạn biết là không đúng như vậy, nhưng bạn lại sợ không dám nói lên.  Hoặc có lẽ bạn có một lập trường chính trị hay những xác tín luân lý mạnh mẽ, nhưng lại không biết cách trình bày làm sao để thuyết phục người ta.

          Thay vì thất vọng khi cố tìm cách nói lên, bạn hãy lùi lại một bước và tập nghệ thuật lắng nghe trước đã.  Trước khi đưa ra những xác tín của bạn hoặc bênh vực Giáo Hội, đầu tiên bạn hãy lắng nghe xem người kia muốn nói gì.  Bạn cũng hãy lắng nghe những gì có thể nằm sau những vấn nạn của họ.  Người ấy có thực lòng quan tâm đến một vấn đề nghiêm túc không?  Có thể đó là một đề tài bạn cũng quan tâm lo lắng, nhưng bạn bất đồng về giải quyết nào là tốt nhất thôi.

          Nếu bạn có thể lắng nghe và tìm ra được một điểm chung, chắc bạn sẽ thấy mình hiểu biết thêm, ngay cả khi bạn đưa ra những cách khác, thí dụ:  “Sẽ ra sao, nếu… Điều ấy làm tôi nhớ đến lúc tôi…”  Những lối nói như vậy có khuynh hướng cổ võ cho việc đối thoại hơn là khép lại câu chuyện.  Cần nhiều kiên nhẫn hơn, nhưng càng biết lắng nghe trong tinh thần cầu nguyện, chúng ta càng có thể nói.  Nhất là càng có thể yêu thương!

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin mở tai con để con có thể nói với người khác bằng tình yêu của Chúa”.