Thứ Năm tuần 10 Thường niên

Suy niệm Công Vụ Tông Đồ 11:21-26; 13:1-3

Lễ thánh Ba-na-ba, tông đồ

 

Ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin.  (Công Vụ Tông đồ 11:24)

 

          Khi cái trần nhà của bạn bị sụp và nước từ trên đổ xuống, bạn gọi thợ làm ống nước.  Khi nhà bạn bị cháy, bạn kêu sở cứu hỏa.  Khi bạn nghe có một giáo hội mới được phát triển tại An-ti-ô-ki-a, nhưng gồm cả người Do-thái lẫn người gốc dân ngoại, thì bạn gọi ai?  Một người hòa giải!  Ngay trong những ngày đầu, các vị lãnh đạo trong Giáo Hội đã biết rằng khi có một số đông những người nhiệt tâm, những người phấn khởi tụ tập lại với nhau, họ cần một bàn tay hướng dẫn và một thứ trung gian khéo léo.  Cho nên các tông đồ đã sai ông Ba-na-ba đến.

          Đây không phải là chỗ duy nhất trong Kinh Thánh mà chúng ta gặp thấy thánh Ba-na-ba.  Những câu chuyện khác giúp chúng ta có một hình ảnh về Ba-na-ba là ai và con người ấy có những đặc điểm gì.  Đầu tiên khi ngài được giới thiệu, chúng ta biết tên thật của ngài là Giu-se, nhưng các tông đồ lại gọi ngài với biệt danh là Ba-na-ba, có nghĩa là “người có tài yên ủi” (Công Vụ Tông Đồ 4:36).  Rồi mỗi khi ngài xuất hiện trong sách Công Vụ hoặc trong thư Phao-lô, chúng ta lại nghe nói đến ngài như một người hòa giải và như một người rất được kính trọng trong Giáo Hội.  Đúng vậy, chắc chắn ngài phải là một con người chắc chắn, đáng tin cậy, để được sai đến một thành phố xa xôi với một sứ mệnh đặc biệt như vậy!

          Chúng ta ai mà chẳng thích làm người hòa giải.  Nhưng muốn thôi thì chưa đủ.  Đem hòa bình tới cho một tình huống ngột ngạt – giúp người ta cảm nghiệm sự bình lặng của Thiên Chúa – có thể hoàn toàn là một thử thách.  Chúng ta biết phải nói gì để giập tắt đi một cuộc cãi vã hoặc đem người ta lại với nhau trong hòa khí?  Chìa khóa chính nằm trong cái tên của thánh Ba-na-ba, và trong việc đầu tiên ngài đã làm khi đến An-ti-ô-ki-a, đó là khích lệ.

          Hòa giải không phải là làm sao có được mọi câu trả lời.  Hòa giải cũng không phải là kiểm soát được tình huống và làm chủ được mọi người trong cuộc.  Bước đầu tiên thường chỉ là một sự khen thưởng giản dị.  “Bạn làm tốt quá”.  “Tôi rất hãnh diện về bạn;  cứ tiếp tục như thế”.  Dù cho chúng ta chẳng có lời khôn ngoan nào để khuyên nhủ, thì một vài lời khích lệ chân thành cũng có thể làm cho tình huống đánh tan đi sự căng thẳng.  Chúng có thể giúp cho tâm hồn người ta lắng xuống và đưa người ta bắt đầu đi vào con đường hòa giải.  Thái độ đầy hy vọng và bình an của bạn có thể lây lan.

          Cho nên lần tới khi bạn ở trong một tình huống ngạt thở cần một người hòa giải, bạn hãy nhớ đến thánh Ba-na-ba, rồi hãy cố gắng trở nên một người biết khích lệ!

 

          “Lạy Chúa, xin giúp con làm một người hòa giải và phục vụ Chúa trung thành như thánh Ba-na-ba đã phục vụ Chúa”.