Thứ Ba tuần 11 Thường niên

Suy niệm 2 Cô-rin-tô 8:1-9

 

Giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại.  (2 Cô-rin-tô 8:2)

 

          Nếu có ai đang sống cảnh nghèo khó,         bạn chẳng mong họ kiềm chế được cách tiêu xài hoặc bảo tồn tài nguyên của họ sao?  Nếu người ta bị thương hay đau khổ, bạn chẳng mong họ được nghỉ ngơi, dưỡng thương và lấy lại sức hay sao?  Trái lại, thánh Phao-lô bảo chúng ta rằng đức tin và niềm vui của các Ki-tô hữu Ma-kê-đô-ni-a tràn đầy trong sự quảng đại – ngay cả đến độ họ đã nài xin được tham dự vào việc giúp đỡ người khác!

          Trong thư, thánh Phao-lô đưa ra lý do để hiểu được sự quảng đại lớn lao ấy.  “Họ đã tự hiến mình phụng sự Chúa trước” (2 Cô-rin-tô 8:5).  Bạn có thể tưởng tượng họ sẽ cầu nguyện như sau:  Lạy Chúa, con thuộc về Chúa.  Tất cả những gì con là và mọi sự con có đều từ Chúa mà đến và thuộc về Chúa.  Chúa muốn con sử dụng thế nào những tài nguyên Chúa đã ký thác cho con?

          Vì đã cầu nguyện với tâm hồn cởi mở như thế, nên họ không thắc mắc khi Chúa muốn họ phải rộng rãi dâng cúng cho Giáo Hội tại Giê-ru-sa-lem đang trải qua thời kỳ đói kém.  Tình huống này trông nhờ vào sự đóng góp của họ.  Họ đã tin rằng Chúa sẽ chăm sóc cho họ, nếu họ đặt ưu tiên cho những nhu cầu của các chi thể khác trong Thân Thể Chúa Ki-tô.

          Làm sao các tín hữu Ma-kê-đô-ni-a tìm thấy ơn Chúa để đáp ứng tình huống theo cách thức như vậy?  Một lần nữa, thánh Phao-lô lại có câu trả lời:  “Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào:  Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cô-rin-tô 8:9).  Không phải chỉ có gương sáng của Chúa Giê-su thúc giục họ sống quảng đại mà thôi.  Nhưng còn là chính sự sống của Người ở trong họ nữa.

          Bạn quảng đại ra sao khi đứng trước những thiếu thốn của người khác?  Có lẽ bạn sẽ kiểm điểm tài nguyên của bạn và xem liệu bạn có thể dành ra một chút sau khi bạn đã lo lắng cho những ưu tiên của mình không.  Đó là một khởi đầu tốt.  Nhưng có lẽ Chúa Thánh Thần đang thúc giục bạn hãy làm một điều mang tính cách cá nhân và hy sinh hơn nữa.  Bạn hãy đến trước mặt Chúa, xin Người giúp bạn nhận ra Người trên gương mặt những con cái thiếu thốn của Người.  Bạn hãy đem theo những gì Người đã ban cho bạn và cố gắng sẵn sàng để cho Người sử dụng theo ý Người.

 

          “Lạy Cha, con không khi nào có thể vượt được lòng quảng đại của Cha.  Xin Cha mở mắt con và lòng con trước những thiếu thốn của hết mọi con cái Cha”.