Thứ Tư tuần 11 Thường niên
Suy niệm 2 Cô-rin-tô 9:6-11
Gieo nhiều thì gặt nhiều.
(2 Cô-rin-tô 9:6)
Trong số các tượng ảnh và các dấu hiệu
cũng như biểu tượng ở trong nhà thờ của chúng ta, một dấu hiệu ít được chú ý nhất,
nhưng lại quan trọng nhất, đó là dấu hiệu “Exit”. Những gì chúng ta làm bên ngoài nhà thờ, như
cách chúng ta phục vụ, mức độ chúng ta yêu thương, dấn thân cho công cuộc truyền
giáo, lại trái ngược với những gì chúng ta cử hành trong Thánh lễ.
Thánh Phao-lô chứng tỏ điều này khi
ngài kêu gọi tín hữu Cô-rin-tô hãy giúp đỡ anh chị em tại Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội tại Giê-ru-sa-lem lúc nào cũng
nghèo, nên Phao-lô quyết định khi đến với các cộng đoàn khác thì ngài đều xin họ
hãy giúp đỡ cho anh chị em ở Giê-ru-sa-lem.
Bạn có thể nói tuy là một vị thuyết giảng nhiệt thành và một mục tử rất siêng
năng, Phao-lô còn là một người gây quỹ rất hữu hiệu nữa! Cứ đọc đoạn Kinh Thánh hôm nay, bạn sẽ thấy
ngài thật có tài động viên người ta quảng đại dâng cúng.
Biệt tài của Phao-lô biết hòa hợp những
ưu tư mục vụ với quan tâm tài chánh cho chúng ta thấy Ki-tô giáo không phải chỉ
biết cầu nguyện và đi lễ. Không phải chỉ
lo lắng cho mình được cứu rỗi và có được một chỗ trên thiên đàng. Nhưng Ki-tô giáo cũng phải chăm sóc cho con
cái của Chúa, băng bó những người bị thương và rao giảng Tin Mừng nữa.
Đời sống Ki-tô hữu không phải chỉ lo
những việc “đạo đức” như cầu nguyện, phục vụ và truyền giáo. Nhưng đời sống Ki-tô hữu còn là phương thức để
tái tạo dựng, đối xử với người khác, làm việc đàng hoàng tử tế, kể cả cách ăn uống
của chúng ta. Tóm lại, đó là cách chúng
ta để cho Thánh Thần ảnh hưởng chúng ta trong bất cứ điều gì chúng ta làm. Quan trọng là phải đón nhận Thánh Thần vào
trong mọi lãnh vực đời sống chúng ta và giữ cho các lãnh vực ấy được quân bình.
Tất cả chúng ta đều phải đương đầu với
thách đố nên làm gì sau khi đã đi qua dấu hiệu Exit. Một trong những cách tốt nhất để đáp lại
thách đố là hãy cố gắng hết sức mở lòng đón nhận những soi sáng của Thánh Thần
trong mọi lãnh vực cuộc sống: mối tương
quan giữa chúng ta với Chúa, cách thức chúng ta đối diện với đời sống hằng
ngày, và bổn phận phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội.
“Lạy
Cha, con cảm tạ Cha vì lòng nhân từ và quảng đại của Cha. Xin Cha cho con biết làm sao giữ được quân
bình khi cùng bước đi với Cha”.