Chúa Nhật tuần 16 Thường niên                                           Suy niệm Mác-cô 6:30-34

 

Người chạnh lòng thương.  (Mác-cô 6:34)

 

          Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giê-su vừa phấn khởi vừa thất vọng.  Người phấn khởi vì các tông  đồ mới trở về sau một chuyến đi truyền giáo rất thành công.  Họ đã chữa lành dân chúng, khu trừ ma quỷ khỏi nhiều người và đưa người ta trở lại đạo.  Nhưng Người cũng nản lòng vì ông Gio-an, người bạn và bà con của Người đã bị chém đầu.

          Nghĩ đến những tin vui và buồn này, Chúa Giê-su đã áp dụng một phương thức thực tế là kêu gọi các tông đồ hãy đến nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một thời gian (Mác-cô 6:31).  Ít ra Người đã cố gắng.  Nhưng đám đông dân chúng lại đi theo các ngài.  Cho nên Chúa Giê-su đã phải thay đổi chương trình và bắt đầu dạy dỗ họ.

          Hiểu theo một ý nghĩa, bạn có thể nói rằng Chúa Giê-su “cảm thông” đã lướt thắng Chúa Giê-su “thực tế”.  Người đã bỏ qua những nhu cầu của cá nhân mình cũng như những nhu cầu của các môn đệ, để chỉ nghĩ đến nhu cầu của những người đến với các ngài.  Bạn có thể nói rằng Người đã mở mắt để nhận ra một viễn tượng rộng lớn hơn.  Các tông đồ cũng mở mắt ra giống như vậy.  Họ đã bỏ chương trình nghỉ ngơi để có thể phục vụ dân chúng.

          Dĩ nhiên Chúa Giê-su muốn chúng ta sống thực tế.  Người muốn chúng ta sống sao cho đúng và có mục đích, rồi phải hoàn tất những mục đích ấy.  Nhưng Người cũng muốn chúng ta phải linh động để có thể xếp lại chương trình riêng của chúng ta khi cần và khi Thánh Thần soi sáng chúng ta.

          Chủ yếu là làm sao học cảm nhận được sự thúc giục của Thánh Thần để cho những gì là thực tế và đã được sắp đặt không lấn át những gì là cảm thông và tự nhiên.  Có thể bạn cảm thấy được giục giã hãy nói chuyện với một người nào đó sau khi đã đi chợ về.  Có thể bạn cảm thấy Chúa muốn bạn ở bên cạnh chồng con, hoặc hãy xếp lại công việc đang làm để đọc Kinh Thánh mấy phút.  Hễ điều gì giống như trên xảy đến, bạn hãy cố gắng làm ngay.  Bạn chẳng bao giờ biết được những phép lạ nào có thể xảy đến!

 

          “Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con mở lòng đón nhận những soi sáng của Chúa.  Con không muốn quá quy tắc đến độ không nghe được tiếng Chúa nói với con.  Lạy Chúa, xin giúp con biết sống linh hoạt như Chúa!”

 

 

 

 


Thứ Hai tuần 16 Thường niên                                          Suy niệm Xuất Hành 14:5-18

 

Đừng sợ!  Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em!  (Xuất Hành 14:13)

 

          Chẳng phải dân Ít-ra-en xem ra quá nhẹ dạ đổi lòng như trong đoạn Kinh Thánh hôm nay hay sao?  Này nhé, họ đầy tràn những của cải mà họ vừa tước đoạt được của người Ai-cập, được giải phóng khỏi ách nô lệ, đã chứng kiến mười tai họa kinh hoàng giáng xuống dân Ai-cập, thế mà phản ứng của họ trước nguy hiểm lại như thế này:  “Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?” (Xuất Hành 14:11).  Thật là nực cười!

          Phải, có lẽ chúng ta cũng chẳng hơn gì họ nếu chúng ta phải trải qua một tình huống giống như họ.  Khi một cơn khủng hoảng bất thần xuất hiện, bản năng đầu tiên của chúng ta là lo lắng và hành động, chứ không ngồi yên trong bình an và tin tưởng.

          May thay, Chúa hoạt động trong chúng ta theo cùng cách thức Người đã hành động với dân Ít-ra-en, cho chúng ta thấy tình yêu của Người mạnh mẽ, vững vàng và không hề thay đổi.  Người tỏ cho chúng ta thấy Người yêu thương và giúp xây dựng lòng tín thác của chúng ta nơi Người.

          Như gương dân Ít-ra-en minh chứng, cần phải có thời gian để hoàn toàn chấp nhận những chân lý nói trên.  Điều tốt lành cho chúng ta là Thiên Chúa luôn kiên nhẫn!  Cẩn thận và chịu đựng, Người sẽ tiếp tục hoạt động với chúng ta, để lòng tín thác và tin tưởng của chúng ta nơi Người được tăng triển.

          Càng tin tưởng hơn vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy mình không còn sợ hãi.  Tóm lại, “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rô-ma 8:31).  Chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để hiến thân phục vụ người khác trong tình yêu.  Rồi chúng ta sẽ trở nên đáng tin cậy hơn. Tất cả chỉ vì chúng ta đã đâm rễ sâu nơi Chúa Cha vĩnh cửu, bất tử, hằng yêu thương và hằng ban ơn cho chúng ta!  Chúng ta biết chúng ta thuộc về Người, và chúng ta xác tín rằng không ai cướp được chúng ta khỏi tay Người (Gio-an 10:29).

          Bạn sẽ làm gì khi tin tưởng vào Chúa?  Bạn có phải phấn đấu với nỗi sợ hãi là Người sẽ bỏ rơi bạn không?  Bạn hãy dành một lúc để tưởng tượng mình đang ở bờ biển Đỏ.  Hãy hình dung đạo binh Ai-cập tượng trưng cho bất cứ đe dọa nào bạn đang phải đối phó.  Giờ đây bạn hãy đọc lại đoạn Kinh Thánh hôm nay, nhất là lời Thiên Chúa phán với ông Mô-sê trong sách Xuất Hành 14:15-18.  Hãy để Chúa cho bạn thấy bạn không cần phải kêu cứu Người.  Bạn chỉ cần cứ tín thác và tin tưởng rằng Cha bạn bênh đỡ bạn.

 

          “Lạy Chúa, con tín thác Chúa hôm nay.  Xin giúp con cậy trông vào Chúa trong mọi tình huống”.

 

 

 

 

 


Thứ Ba tuần 16 Thường niên                                           Suy niệm Mát-thêu 12:46-50

 

Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.  (Mát-thêu 12:50)

 

          Bạn nghĩ sao nếu có ai nói với bạn rằng bạn có liên hệ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô?  Đó cũng là cách Chúa Giê-su nói khi những người đồng bào đến nghe Người rao giảng.  Chúng ta hết thảy đều là anh chị em sống trong sự chăm sóc của Cha trên trời.

          Theo truyền thống Do-thái, gia đình là pháo đài sự sống.  Đúng thế, tất cả văn hóa Do-thái được xây dựng trên những quan hệ của dân tộc với cụ tổ Áp-ra-ham và các con cái ngài.  Dòng máu gia đình này chính là con đường đưa tới ơn cứu độ.  Bạn có thể tưởng tượng, nói điều gì “xúc phạm gia đình” cũng có nghĩa là xúc phạm cả dân tộc Do-thái.

          Nhưng đây lại là điều Chúa Giê-su đã làm.  Bạn thử tưởng tượng giây phút Chúa Giê-su làm cho Mẹ Ma-ri-a và bà con của Người phải sững sờ.  Bắt họ phải chờ đợi ở bên ngoài trong khi Người lo lắng cho đám đông dân chúng khiến họ đau lòng, đó là điều khó khăn cho Chúa Giê-su.  Thế mà Người còn làm hơn thế nữa khi minh định:  bất cứ ai cố gắng theo Thiên Chúa thì người đó thuộc về gia đình của Người, thậm chí cả những kẻ phong cùi, đĩ điếm, thu thuế và dân ngoại nữa.  Ai ai cũng đều có thể thừa hưởng vương quốc của Người.  Cả bạn nữa!

          Lời tuyên bố kinh ngạc này không những làm cho Chúa Giê-su trở thành người anh em của chúng ta và Đức Ma-ri-a thành mẹ chúng ta, nhưng còn làm cho hết thảy chúng ta thành bà con thân thuộc với nhau, cả Đức Giáo Hoàng nữa!  Lời tuyên bố ấy xác định lại quan niệm của chúng ta về gia đình và mở mắt chúng ta nhận ra chiều sâu của những mối tương quan thiêng liêng với nhau và với Chúa Ki-tô.

          Điều ấy có lý phải không?  Chúng ta, những kẻ đang tìm kiếm Nước Trời cũng nói cùng một ngôn ngữ, ngôn ngữ của Kinh Thánh và phụng vụ thường ngày chúng ta.  Chúng ta giống như một gia đình khi cùng nhau vâng phục Cha chúng ta và tha thứ cho nhau.  Chúng ta còn có những truyền thống chung của gia đình, như cùng ăn chay trong mùa Chay và làm dấu thánh giá.  Đồng thời Chúa cũng đối xử với chúng ta như một gia đình. Người trông coi chúng ta và che chở chúng ta.  Người dạy dỗ chúng ta.  Người còn viết tên chúng ta vào trong di chúc của Người, hứa ban cho chúng ta gia nghiệp Nước Trời.

          Hôm nay bạn hãy giữ trong lòng ý niệm về gia đình thiêng liêng.  Hãy nhớ rằng hết thảy chúng ta là một gia đình vĩ đại, gồm cả những người chúng ta không ưa thích.  Vì tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được niềm vui Nước Trời, nên chúng ta đều có thể bắt đầu niềm vui ấy ngay tại mặt đất này.

 

          “Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã cho con trở thành phần tử thuộc gia đĩnh vĩ đại, vinh hiển và đầy đủ hạng người của Cha”.

 

 

 

 

 

 


Thứ Tư tuần 16 Thường niên                                           Suy niệm Gio-an 20:1-2,11-18

Lễ thánh Ma-ri-a Mác-đa-la

 

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ.  (Gio-an 20:1)

 

          Trong Kinh Thánh ít có phụ nữ trở thành một đề tài đặc biệt và cặn kẽ như Ma-ri-a Mác-đa-la mà chúng ta mừng lễ hôm nay.  Tuy nhiên mặc dù được chú ý như thế, nhưng nhiều người vẫn còn lẫn lộn bà với “người phụ nữ tội lỗi” thống hối trong Lu-ca 7:36-50.  Vậy thay vì được nhớ đến như là con người tội lỗi, thống hối và ăn năn, thì Ma-ri-a phải được nhớ tới như là một gương mẫu về sự trung thành.

          Bà Ma-ri-a có lý do chính đáng để trung thành với Chúa Giê-su.  Chúa đã trừ bảy quỷ ra khỏi bà (Lu-ca 8:1-2).  Hầu như đây là khởi đầu cho hành trình của bà đi theo Chúa và nó đưa bà vào con đường làm môn đệ Người, con đường giúp bà trở thành một trong những phụ nữ đầu tiên theo Chúa.  Là một người trong nhóm phụ nữ yểm trợ tài chánh cho Chúa Giê-su, Ma-ri-a không phải là một người đi theo Chúa nhất thời tùy giai đoạn.  Nhưng bà tin vào Người đến độ dám đem tất cả tiền bạc mình có và bỏ lại cuộc sống nhung lụa để cùng bước theo Thầy.

          Bạn thử tưởng tượng bao phép lạ bà Ma-ri-a đã chứng kiến và niềm phấn khởi bà cảm nhận trong cuộc hành trình này!  Nhưng hành trình không phải chỉ có những dấu lạ điềm thiêng mà thôi.  Đây là con đường khó đi, con đường đã đưa bà tới chân thập giá, tại đó bà nhìn Chúa Giê-su chết trong đau đớn.  Than khóc và đầy bối rối, bà Ma-ri-a quả thực như con thuyền trôi dạt.  Bà tự hỏi:  “Làm gì bây giờ?”

          Chính ở thời điểm này chúng ta nhận ra rõ ràng nhất lòng trung thành và tình yêu của bà Ma-ri-a.  Từ chối trốn chạy và xa lánh như các môn đệ, bà đã là một trong số ít người ở lại với Chúa và lo việc mai táng Người.  Bà là một trong ba phụ nữ đã không sợ bị bắt bớ để làm công việc ướp xác Chúa.  Và cuối cùng, lòng trung thành của bà đã được trọng thưởng:  bà là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại được thấy Chúa Phục Sinh!

          Quả thực là một vinh dự!  Bà Ma-ri-a xứng đáng với danh hiệu “Tông đồ của các Tông đồ”.  Là một trong số những phụ nữ vĩ đại nhất trong Kinh Thánh, câu chuyện của bà là một gương mẫu cho sự thân cận với Chúa, sự thân cận đã đem lại phần thưởng cho một tâm hồn biết cảm tạ và trung thành hăng say tìm kiếm Chúa.

 

          “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa về gương mẫu của bà Ma-ri-a và đời sống của bà.  Xin Chúa giúp con biết bắt chước tình yêu và lòng nhiệt thành của bà”.

 

 

 

 


Thứ Năm tuần 16 Thường niên                            Suy niệm Xuất Hành 19:1-2,9-11,16-20

 

Ông Mô-sê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa.  (Xuất Hành 19:17)

 

          Đúng năm mươi ngày sau cuộc Vượt Qua đầu tiên, dân Do-thái đã gặp Thiên Chúa tại chân một ngọn núi.  Dĩ nhiên đó không phải là lần gặp gỡ đầu tiên.  Họ đã chứng kiến Người biểu lộ quyền năng qua những dấu lạ điềm thiêng khi Người giải phóng họ khỏi tay vua Pha-ra-ô.  Nhưng lần này họ gặp Chúa trong một cách thức mới.  Chỉ có mình họ với Đấng cứu chuộc họ.  Khi họ bước vào giao ước, Thiên Chúa đã tỏ lộ cho họ biết căn tính và vai trò của Người một cách mới và sâu xa hơn.

          Nếu bạn đọc hết được sách Xuất Hành trong một lúc, bạn sẽ thấy dân Ít-ra-en gặp gỡ Thiên Chúa theo một cách mới trong hầu như từng chương sách – gặp gỡ Người là đấng cứu độ, đấng chữa lành, đấng quan phòng, đấng ban lề luật, đấng phán xét và nhiều danh hiệu khác nữa.

          Đó thực là những hình ảnh tuyệt vời diễn tả hành trình môn đệ của chính chúng ta!  Vinh quang Thiên Chúa, tình yêu của Người, oai phong của Người và lòng thương xót của Người thực sâu xa đến nỗi khiến chúng ta không bao giờ mỏi mệt muốn gặp Người, dù là cho đến muôn đời!  Đó là vì trong mỗi cuộc gặp gỡ, chúng ta đều khám phá ra một chiều kích mới Người là Đấng nào, hoặc chúng ta càng muốn đi sâu vào chiều kích chúng ta đã khám phá.  Thiên Chúa chúng ta thực tốt lành và tuyệt diệu đến độ mỗi một điểm nhỏ chúng ta nhận thấy đều làm cho chúng ta ao ước được nhìn thấy thêm nữa.

          Vậy trong quá khứ bạn đã gặp gỡ Chúa như thế nào?  Giống như dân Ít-ra-en trong bài đọc hôm nay, có lẽ bạn đã nhận ra một chút vẻ huy hoàng của Người khi bạn ngắm các vì sao.  Nhưng bạn có biết là bạn còn có thể nói với Người, mặt đối mặt như một người bạn trong giờ cầu nguyện không?  Phần cuối sách Xuất Hành, chúng ta còn thấy Thiên Chúa sẽ vào Lều hội ngộ để tỏ mình ra với ông Mô-sê, bạn hữu Người (Xuất Hành 33:11).  Đó là một hình ảnh báo trước cho Thánh lễ, ở đó Chúa tỏ mình ra với bạn trong bí tích Thánh Thể, trong Kinh Thánh, qua thừa tác viên và ở giữa dân Người!

          Có thể bạn đã gặp Chúa là núi đá phù hộ khi bạn đầy âu lo.  Thực là một phúc lành khi được bước lên những bậc thang dẫn tới ngai tòa Chúa, từ đó bạn cùng với Chúa nhìn xuống những trở ngại đã từng là vô cùng lớn lao!

          Rõ ràng có không biết bao nhiêu cách gặp gỡ Chúa.  Vậy thì hôm nay, bạn sẽ gặp gỡ Chúa cách nào?

 

          “Lạy Chúa, hôm nay xin ban cho con ơn can đảm để con bước ra khỏi trại, ra khỏi những thoải mái cuộc sống con, hầu khám phá Chúa một cách mới mẻ”.

 

 

 

 


Thứ Sáu tuần 16 Thường niên                                         Suy niệm Mát-thêu 13:18-23

 

Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.  (Mát-thêu 13:18)

 

          Hạt giống thật lạ lùng, có phải không?  Bạn thử lấy một hạt bắp làm thí dụ:  chính hạt giống rất là nhỏ, nhưng ở bên trong nó là tất cả những gì cần thiết để nó phát triển gấp hằng trăm lần hơn nó.  Khi hạt giống nảy mầm, nó không có gì là nhiều, nhưng khi đã phát triển hoàn toàn thì cây bắp sẽ cao khoảng hơn hai mét và rễ có thể đâm sâu xuống đất tới hơn một mét!  Tất cả những tiềm năng ấy nằm gọn bên trong một hạt bắp rất tầm thường.  Một trái bắp có khoảng trung bình tám trăm hạt bắp, mỗi hạt lại có thể mọc thành một cây và cứ tiếp tục tiến trình ấy!

          Hôm nay Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng lời của Người tựa như hạt giống gieo vào tâm hồn.  Lời Người có thể “nhỏ xíu”, nhưng nó lại chứa đựng trong đó mọi sự cần thiết để phát triển, nở hoa và sinh hoa trái lớn lao trong cuộc sống chúng ta.

          Trong việc trồng trọt, phẩm chất của đất để hạt giống gieo xuống rất quan trọng.  Cho nên bác nông phu mới xới đất lên và lấy đi hết cỏ dại.  Công việc này giúp cho hạt giống có lợi thế và cho nhà nông không cần phải quá để tâm lo lắng cho mùa màng, lúc nào cũng phải cố gắng cải thiện đất cho đến khi các hạt giống đâm mầm.  Ông ta chỉ làm những gì cần làm và để phần còn lại cho Chúa.

          Đó là câu chuyện tương tự đối với chúng ta.  Hạt giống lời Chúa cần có môi trường tốt để mang lại hoa trái trong tâm hồn chúng ta.  Nhưng chúng ta đừng quên rằng chúng ta đã có sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta khi chúng ta được rửa tội rồi.  Đó là chưa nói tới những điều chúng ta có thể làm hằng ngày giúp cho “đất” của chúng ta được lành mạnh (thí dụ việc cầu nguyện).  Nhưng cuối cùng, đang khi những cố gắng của chúng ta có thể gây ảnh hưởng tốt, thì lại có rất nhiều sức mạnh nằm trong lời Chúa.  Dù mảnh vườn tâm hồn chúng ta còn chút cỏ dại, sức mạnh Chúa ban để biến đổi cuộc sống vẫn có thể tạo nên những điều kỳ diệu.

          Vậy bạn hãy vui lên!  Hôm nay khi bạn nghe lời Chúa, hãy tưởng tượng một hạt giống được gieo xuống tâm hồn bạn.  Hạt giống ấy chứa đầy sự sống đến nỗi nó không thể không tuôn trào mọi ân sủng và phúc lành Chúa đã tàng trữ trong đó.  Bạn hãy mở lòng đón nhận sức mạnh của lời Chúa, và hãy tin rằng chỉ một hạt giống thôi cũng đã đủ để biến đổi cả đời sống bạn!

 

          “Lạy Cha trên trời, xin mở mắt con để nhận ra tiềm năng ban sự sống mà Chúa đã đặt trong lời Chúa.  Hôm nay xin cho lời Chúa biến đổi con”.

 

 

 

 


Thứ Bảy tuần 16 Thường niên                                           Suy niệm 2 Cô-rin-tô 4:7-15

Lễ thánh Gia-cô-bê, tông đồ

 

Chúng tôi mang sứ vụ tông đồ nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành.  (2 Cô-rin-tô 4:7)

 

          Có khi nào bạn cảm thấy vào cuối một ngày dài, mình giống như cái bình sành hay một cái chậu rạn nứt không?  Nếu như có ai xin bạn làm thêm một việc gì đó, chắc là bạn sẽ bảo họ:  “Không được đâu… Tôi không thể nào làm được…”

          Tông đồ Gia-cô-bê cũng là một cái bình sành.  Việc làm ăn duy nhất của ngài là nghề lưới cá, một công việc lao động dành cho những người thuộc giai cấp hạ lưu.  Cá tính của ngài thật năng nổ, nên ngài mang hỗn danh là “con của sấm sét” cùng với người em là Gio-an (Mác-cô 3:17).  Bạn nhớ không, hai người này cũng chính là những kẻ muốn xin “lửa từ trời xuống” để thiêu sống cả một thành đã không chịu tiếp đón Chúa như họ nghĩ là Người xứng đáng được đón tiếp (Lu-ca 9:54).

          Dường như Gia-cô-bê đã có lúc không hiểu rõ sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Sau khi tốn quá nhiều thời gian theo Chúa Giê-su và chứng kiến Người xả thân chăm sóc những người bị tổn thương và gặp khó khăn, tất cả những gì Gia-cô-bê muốn chỉ là chắc chắn Người sẽ nắm giữ một vai trò đầy uy thế trong một chế độ mới (Mát-thêu 20:20-28).

          Nhưng bất kể những điểm yếu này, Chúa Giê-su vẫn mời gọi Gia-cô-bê bước vào vòng những kẻ thân tín của Người.  Gia-cô-bê có mặt khi Chúa Giê-su hiển dung, khi Người cho bé gái sống lại từ kẻ chết và khi Người phấn đấu tại vườn Cây Dầu để kết hiệp với thánh ý Chúa Cha.  Qua tất cả những sự kiện ấy, Gia-cô-bê đã quan sát Chúa Giê-su và cố gắng hiểu Người và vâng phục Người hơn.  Và những nỗ lực của ngài không vô ích.

          Lần tới khi bạn cảm thấy mình giống như bình sành, “bị dồn ép tư bề hoang mangbị ngược đãi bị quật ngã”, thì bạn hãy chú ý đến kho tàng mà bạn đang chứa đựng trong bình sành ấy (2 Cô-rin-tô 4:8,9).  Thực sự là với sức riêng, bạn không đủ mạnh mẽ để vượt thắng đâu, nhưng cũng thực sự là sức mạnh đã đầy tràn và biến đổi con người Gia-cô-bê giờ đây đang sống động và hoạt động trong con người bạn.  Xin thánh Gia-cô-bê và các thánh tông đồ cầu bầu cho chúng ta và giúp chúng ta học nương tựa vào ân sủng Chúa đã ban cho chúng ta!

 

          “Lạy Chúa Giê-su, Chúa là kho tàng vĩ đại nhất của con.  Con cám ơn Chúa đã chọn con như Chúa đã kêu gọi thánh Gia-cô-bê.  Lạy Chúa, con xin đặt cuộc đời con dưới chân Chúa”.