Thứ Bảy tuần 22 Thường niên
Suy niệm Lu-ca 6:1-5
… các môn đệ bứt lúa.
(Lu-ca 6:1)
Dù đang bứt lúa
vào ngày Sa-bát, nói chuyện với những người cùng khổ, hoặc làm phép lạ, thì các
môn đệ Chúa Giê-su cũng vẫn là những con người có điều gì khác thường. Nhiều người Pha-ri-sêu có lẽ thắc mắc: Tại sao mấy người môn đệ ấy lại không thể bình
thường? Nhưng điều ấy sao tránh khỏi. Bởi vì hình như bất cứ khi nào chúng ta theo
Chúa Giê-su, thì chúng ta sẽ nói hoặc làm những điều xem ra không bình thường đối
với những người chung quanh. Nhưng đó lại
là điều tốt. Ý thức mình được kêu gọi để
làm điều khác thường có thể giúp chúng ta đáp lại lời triệu gọi của Chúa một
cách tin tưởng hơn.
Thí dụ chúng ta
thử nói về niềm vui. Kinh Thánh kêu gọi
chúng ta hãy mừng vui mỗi ngày. Phải, có
những ngày dễ vui vẻ hơn những ngày khác, nhưng niềm vui vẫn luôn là một dấu ấn
của các môn đệ Chúa Ki-tô. Niềm vui
không phải là một cảm xúc nhất thời dựa trên hoàn cảnh, hoặc là điều chúng ta
có thể giả vờ; nhưng niềm vui đến là nhờ chúng ta có Thánh Thần, Đấng đổ ân sủng
vào đời sống chúng ta.
Thế còn lòng
thương xót thì sao? Rất nhiều Ki-tô hữu
đã tìm được ơn biết tha thứ cho những
người làm tổn thương họ, thậm chí trong những tình huống mà nhiều người coi như
không thể tha thứ được. Tuy nhiên cũng
giống như niềm vui, khả năng biểu lộ lòng thương xót chỉ có được là nhờ ân sủng
trong tâm hồn chúng ta, nhất là đang lúc chúng ta phải chịu đau đớn sâu xa.
Việc sử dụng
thì giờ của chúng ta cũng có thể là khác thường! Đi tham dự Thánh lễ, dành thì giờ cầu nguyện
hoặc đọc bài suy niệm này, tất cả đều phản ảnh một tâm hồn khao khát đến gần
Chúa Ki-tô. Nó cho thấy là chúng ta đang
coi việc đi với Chúa là ưu tiên hơn, nên muốn dành chỗ cho Người cho dù cuộc sống
thật bận rộn.
Nhận biết những
khác biệt này chưa phải là phát triển một thái độ “thánh thiện hơn người”. Nhưng đó là phát triển việc làm môn đệ
Chúa. Nếu chúng ta biết mình được kêu gọi
hãy sống vui vẻ, chúng ta sẽ bớt đi thái độ phàn nàn cau có. Nếu biết mình được mời gọi sống lòng thương
xót, chúng ta sẽ cố gắng hơn để tha thứ cho người khác. Rồi chúng ta sẽ sẵn sàng “phung phí” thì giờ
cho Chúa khi biết rằng đó không chỉ là thói quen, nhưng là vì chúng ta thực
lòng muốn tiến triển hơn nữa trong mối tương quan với Chúa Giê-su.
Hôm nay, bạn
hãy xin Chúa ban thêm ơn sủng giúp bạn theo Người. Hãy nói với Người rằng bạn không quan tâm việc
bị người ta cho là khác thường hoặc kỳ cục bao lâu bạn có thể làm vinh danh Người.
“Lạy Chúa Giê-su, con sẽ theo Chúa đến bất
cứ nơi nào Chúa dẫn con tới”.