Thứ Bảy tuần 23 Thường niên

Suy niệm 1 Ti-mô-thê 1:15-17

 

Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người.  (1 Ti-mô-thê 1:16)

 

          Người ta rất dễ dàng cảm thấy như bị chối bỏ trong đời sống Ki-tô hữu, nhất là khi chúng ta phải phấn đấu với một thứ tội lỗi khó mà dứt khoát được.       Rồi khi cho mình là một Ki-tô hữu tốt, chúng ta cần phải tỏ ra cách cư xử tốt nhất và hoàn toàn thánh thiện.  Đó chẳng phải là cách chúng ta lôi kéo được người khác hay sao?  Nhưng trên thực tế, chứng từ của chúng ta còn có thể chiếu sáng hơn thế nữa khi chúng ta tích cực phấn đấu với tội lỗi và khi chúng ta nhìn nhận sự yếu đuối của mình và lãnh nhận lòng thương xót của Chúa.

          Chúng ta hãy xem thánh Phao-lô.  Từ khi trở lại, ngài đã học biết rằng Thiên Chúa có thể đón nhận một người tội lỗi và biến đổi họ – cho dù đó là một kẻ đang chiến đấu với tội lỗi hay là một người đã hoàn toàn quên lãng Thiên Chúa.  Rồi như thánh Phao-lô trình bày, cuộc sống đã được biến đổi ấy có thể là một chứng từ rất hùng hồn!  Nó cho người ta thấy nhiều hơn cả những chân lý vĩnh cửu của Tin Mừng;  nó chứng tỏ Tin Mừng được sống trong cuộc sống hằng ngày đầy chông gai.  Vì thế Phao-lô bảo Ti-mô-thê rằng cuối cùng, chứng từ mạnh mẽ nhất của ngài là một gương mẫu nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa đã hoạt động nơi ngài.

          Vậy bạn đừng sợ về những sa ngã của mình!  Dĩ nhiên bạn chẳng vui mừng gì về những sa ngã ấy.  Nhưng bạn hãy chắc chắn đừng để cho những lúc yếu đuối trong quá khứ cũng như hiện tại ngăn cản không cho bạn bước vào tương lai Thiên Chúa dành cho bạn.  Công việc của ma quỷ là tố cáo chúng ta và cầm giữ chúng ta trong một đám mây đầy áp bức.  Nhưng công việc của Thánh Thần là thuyết phục chúng ta cứ nắm lấy tình huống tồi tệ ấy và biến nó trở nên tốt, mặc dù cái “tốt” ấy chính là chứng từ nói lên lòng thống hối, sự trưởng thành trong khiêm nhường của bạn, hoặc mối tương quan với Chúa được sâu xa hơn.

          Vào mỗi đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta vui mừng trong “tội hồng phúc đã mang lại cho chúng ta một Đấng Cứu Độ lớn lao và đầy vinh hiển”.  Chúng ta vui mừng trong sự kiện Chúa Giê-su hằng hoạt động trong chúng ta, sử dụng chính sự yếu đuối của chúng ta để biểu dương quyền năng của Người.  Hết thảy chúng ta hãy thi hành vai trò làm chứng nhân cho Tin Mừng, những chứng nhân của sự hòa giải và biến đổi!

 

          “Lạy Chúa, con tin Chúa dùng sự yếu đuối của con để biểu dương lòng thương xót và quyền năng của Chúa”.