Thứ Năm tuần 28 Thường niên
Suy niệm Lu-ca 11:47-54
Khốn cho các ngươi…
(Lu-ca 11:47)
Những lời thật nghiêm khắc như thế
Chúa Giê-su đã nói về nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư là những kẻ đã chống đối Người! Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng khi Người
kêu lên “Khốn cho các ngươi…”, thì Chúa không thực sự phỉ báng họ. Trái lại, Người bày tỏ một nỗi buồn phiền sâu
xa, đau lòng, vì những đường lối tội lỗi của họ đã tạo nên một bức tường ngăn
cách họ với Thiên Chúa. Chúa Giê-su biết
rằng Người đã đến để đem lại sự sống, và Người lại thấy những kẻ này đã tách
mình ra khỏi sự sống ấy, rồi thái độ và lời lẽ của họ còn khiến cho những người
theo họ khó đón nhận được sự sống ấy nữa.
Chúa Giê-su đã đến để tha thứ và giải hòa, nên nhìn thấy người ta quay
lưng lại ân huệ quảng đại đó làm cho Người phải tan nát tâm can.
Khi bạn nghĩ về tình trạng thế giới hoặc
khi bạn thấy người nào đó tách lìa khỏi Thiên Chúa (hoặc họ đã hoàn toàn trốn
tránh Người), thì bạn phản ứng thế nào?
Có thể chúng ta rất dễ dàng nổi giận hoặc lên án những chọn lựa sai lầm
cùng với những kẻ chọn lựa ấy, nhất là khi những chọn lựa ấy khiến chúng ta bị
tổn thương. Nhưng tốt hơn cả là hãy dừng
lại một chút và cầu nguyện cho họ. Khi hướng
tâm hồn về cầu nguyện, chúng ta có thể hiểu được cách thức Chúa Giê-su ngậm
ngùi vì tội lỗi người ta và cách thức này của Chúa sẽ giúp trái tim chúng ta mềm
mại hơn, đồng thời xóa bỏ được trong chúng ta những tư tưởng lên án người khác.
Nhìn lại mình, bạn thấy thế nào? Thường thì những ai hay xét đoán người khác
cũng khó khăn với chính mình. Bạn đừng để
điều ấy xảy ra với mình nhé! Chúa không
nổi giận với bạn đâu. Người không đưa
lên bàn cân những cái xấu của bạn mà so sánh với cái tốt, để rồi cất đi những phúc
lành đã ban cho bạn. Nhưng bạn hãy nhớ,
Chúa Giê-su đã đến thế gian không phải để lên án, nhưng để cứu độ (Gio-an
3:17). Nếu chúng ta có gì chăng nữa, Người
chỉ buồn khi chúng ta dựng lên bức tường ngăn cách Người với chúng ta cũng như
ngăn cách chúng ta với nhau.
Vậy lời chúc dữ “Khốn cho…” không nhất
thiết là một điều xấu. Thay vì là một nỗi
buồn thụ động, nó có thể là một khởi đầu cho hành động phục hồi. Nó có thể giúp chúng ta thay đổi cách nhìn bản
thân mình và thế giới. Khi thấy Chúa
Giê-su buồn về thế gian và buồn về tâm hồn chúng ta, chúng ta có thể cảm thấy
được thúc giục hãy đến gần lòng thương xót của Chúa hơn và cầu nguyện cho tình trạng ấy. Lời chúc dữ ấy cũng có thể lôi kéo chúng ta đến
với Chúa, bước vào sự sống trọn vẹn của Người!
“Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim trở nên mềm mại vì buồn phiền, giống như trái tim Chúa. Con không muốn tội lỗi làm cho nó chai đá. Con muốn yêu thương như Chúa yêu thương”.