Thứ Sáu tuần 31 Thường niên
Suy niệm Rô-ma 15:14-21
Tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện
chí. (Rô-ma 15:14)
Một phong trào kỳ lạ bắt đầu từ cuối
thập niên 1990 đã nổi tiếng trong những năm gần đây. Mục đích của họ đơn giản: các người không quen biết nhau tụ tập trong
các rạp hát, quán rượu và hội trường nhà thờ để say sưa đọc những đoạn nhật ký,
những bức thư tình và các bài thơ. Các
đoạn được đọc thuộc đủ loại, từ vui cười đến những đau khổ kỳ cục, nhưng một yếu
tố chung thường phải theo, đó là cách người ta phải xưng hô như thế nào, nhất
là đối với trẻ con và thiếu niên!
Bạn hãy xem thánh Phao-lô xưng hô thế
nào với các tín hữu Rô-ma! Chúng ta quen
với lối sử dụng cụm từ “anh chị em” ở trong môi trường nhà thờ, nhưng bạn thử
nghĩ xem sẽ như thế nào nếu cách xưng hô như thế được sử dụng đối với những người
nghe lần đầu tiên ngày xưa. Thánh
Phao-lô, một người Do-thái thuần thành, sao lại gọi những người dân ngoại là
gia đình của ngài? Ngài niềm nở và dịu
dàng đối với những người Rô-ma này. Hơn
nữa, ngài còn dùng ngôn ngữ nghiêm chỉnh để khen ngợi họ về những điều tốt họ
đã làm và sửa sai họ về những lầm lỗi của họ.
Mà đây lại là những người ngài chưa hề gặp mặt!
Thánh Phao-lô rất thích làm phần tử của
một Giáo Hội quốc tế, đa văn hóa và đang phát triển. Ngài nhìn người ta từ nhiều lý lịch khác biệt
nhau nhưng đến với đức tin nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, và điều ấy giúp
ngài tin tưởng để mạnh dạn nói với họ.
Ngài xác tín rằng đây là công việc của Thiên Chúa, nên Người sẽ nâng đỡ
công việc ấy.
Chúa Thánh Thần muốn chúng ta xác tín
rằng ngày nay Thiên Chúa vẫn đang hoạt động mạnh mẽ y như thời thánh
Phao-lô. Người muốn khuyến khích chúng
ta hãy cố gắng phát huy sứ mệnh của Giáo Hội.
Người muốn nói với chúng ta cùng một điều thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô
II đã lập đi lập lại rằng: “Đừng sợ!”
Có thể chúng ta cảm thấy mình không có
tài đức như thánh Phao-lô, nhưng không phải là quá khó để chúng ta nói với một
người bạn một lời khích lệ. Không có gì
là khó khi tình nguyện cầu nguyện cho một người hàng xóm hoặc một người trong
gia đình đang phải đối diện với một cơn khủng hoảng vì bệnh tật. Không phải là không thể làm được khi chúng ta
cần tha thứ cho một người bạn làm cùng sở đã làm chúng ta đau lòng.
Chúng ta là một Giáo Hội đang thi hành
sứ mệnh. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã
nói, đôi khi thi hành sứ mệnh còn có nghĩa là vượt ra ngoài ranh giới giáo xứ
chúng ta, để chúng ta lôi kéo thêm người vào.
Ước gì chúng ta hãy dấn thân xây dựng Giáo Hội, tin rằng Chúa đang ở với
chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong từng bước đường.
“Lạy
Chúa, xin cho con được đầy tràn lòng yêu mến Giáo Hội và tin tưởng vào công việc
của Chúa trong Giáo Hội ấy”.