Thứ Hai sau lễ Hiển Linh

Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

 

Suy niệm Mác-cô 1:7-11

 

Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.  (Mác-cô 1:11)

 

          Không giống như hầu hết những người đã được rửa tội từ lúc mới sinh, Danh nhớ rất rõ ngày anh được rửa tội khi anh đã trưởng thành.  Đối với anh, việc đó còn đi xa hơn là việc anh chào đời, vì anh đã có thể trở nên một phần tử của Giáo Hội.  Đó là ngày anh đã nhận được sự sống mới.  Anh luôn kể với người khác điều đã xảy ra cho anh khi linh mục đổ nước trên trán anh.  Điều ấy giống như có ai đã “bật đèn sáng lên”.  Anh như cảm nhận được bằng giác quan sự bình an và niềm vui.  Lúc ấy anh biết rằng Chúa ở với anh và Người yêu thương anh.

          Chúng ta không biết được Chúa Giê-su đã cảm thấy điều gì khi Người chịu phép rửa.  Khác với chúng ta, Người không cần được thanh tẩy khỏi tội lỗi.  Nhưng cũng giống phép rửa của chúng ta, phép rửa Người lãnh nhận là việc Người được Thiên Chúa Cha xức dầu.  Hẳn chúng ta cũng biết Chúa Cha đã nghĩ thế nào về Chúa Giê-su rồi chứ!  Trong Kinh Thánh có một số trường hợp kể lại việc Thiên Chúa đích thân phán dạy, chứ không qua một vị ngôn sứ nào, và đây là một trong số những trường hợp ấy.  Vì Chúa Giê-su là Con Một của Thiên Chúa, nên Người không thể không biểu hiện sự chấp thuận và hài lòng của Thiên Chúa Cha về Người.

          Bí tích Rửa tội đem lại nhiều hiệu quả.  Nó thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi, ban cho chúng ta sức mạnh để sống cuộc sống thánh thiện và cho chúng ta thuộc về Nhiệm Thể Chúa Ki-tô.  Nhưng những điều này không chỉ là những sự kiện thần học chúng ta phải thuộc nằm lòng.  Chúng còn nói cho chúng ta biết một thực tại biến đổi chính sự hiện hữu của chúng ta nữa.  Bí tích Rửa tội cho chúng ta trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa.  Có thể chúng ta không nghe được tiếng nói của Chúa dưới hình thức tiếng nói loài người rằng Chúa “hài lòng” về chúng ta, nhưng chúng ta có thể chắc chắn đấy chính là điều Chúa nói mỗi lần có ai được rửa tội (Mác-cô 1:11).

          Làm sao chúng ta chắc chắn biết được điều ấy?  Bằng cách hãy nhìn lên thánh giá.  Nếu Thiên Chúa đã sai Chúa Giê-su đến để thí mạng sống vì chúng ta, thì rõ ràng tình Người yêu thương chúng ta phải vượt trên bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng.  Việc Chúa hài lòng về chúng ta phải là mạnh mẽ, quả quyết và đầy vui mừng.

          Vậy khi bạn đọc những lời Chúa Cha phán với Chúa Giê-su, hãy biết là Người cũng phán những lời ấy với bạn nữa.  Hôm nay bạn hãy lập lại điều này:  “Tôi là con rất yêu dấu của Thiên Chúa, nên Người hài lòng về tôi”.  Hãy để chân lý này sâu lắng trong tâm hồn bạn hôm nay và hãy cảm tạ Cha trên trời của bạn về tình yêu của Người.

 

          “Lạy Chúa, xin giúp con lãnh nhận tình Chúa yêu thương con”.