Thứ Ba tuần 12 Thường niên

Suy niệm Thánh Vịnh 48:2-4, 10-11

 

Giữa các lâu đài của Xi-on, Thiên Chúa tỏ ra chính Người là thành luỹ.  (Thánh Vịnh 48:4)

 

          Khách du lịch rất thích thăm viếng các lâu đài.  Từ lâu đài Windsor tại Anh quốc đến lâu đài Cinderella ở Disney World, những kiến trúc này huy hoàng về cả vẻ đẹp lẫn hùng vĩ của chúng.  Kích thước cũng như những trang hoàng của chúng phản ánh tầm quan trọng của những người sống trong đó.

          Thánh Vịnh hôm nay ngợi khen Thiên Chúa vì Người ở giữa “các lâu đài” của Ít-ra-en.  Bất cứ ai đứng giữa những tòa nhà tại thành thánh Giê-ru-sa-lem đều thấy nơi chúng một biểu lộ hữu hình nói lên quyền năng và sự che chở của Thiên Chúa.  Đặc biệt Đền Thờ nhắc nhở dân Ít-ra-en rằng Thiên Chúa luôn ở với họ.  Đi băng qua thành và làm việc thờ phượng trong Đền Thờ là gợi lên trong tâm hồn chúng ta sự che chở trung thành của Thiên Chúa.

          Dân Ít-ra-en đã có một nơi được Thiên Chúa chỉ định để họ có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Người.  Điều đó chẳng phải cũng thật đối với chúng ta nữa sao?  Có thể chúng ta không có “thánh đô” gần bên, nhưng chúng ta có những thứ nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Chúa:  những đồ vật, nơi chốn và cả đến những cử chỉ giúp chúng ta nhớ đến những chân lý đức tin và đem lại cho chúng ta niềm an ủi thiêng liêng.

          Người Công giáo gọi tên những thứ nhắc nhở này là á bí tích.  Ngoài vẻ bề ngoài của tràng hạt Mân côi, dấu Thánh giá hoặc một ngôi nhà nguyện dễ thương, còn có một điều gì hơn thế nữa.  Các á bí tích có thể chỉ đường cho chúng ta đến với Chúa, dạy dỗ chúng ta hoặc giúp chúng ta thờ phượng Chúa.  Á bí tích cũng giống như cách thức biểu lộ của một cử chỉ bình thường như mỉm cười, một quà tặng bất ngờ, hoặc một cái bắt tay để biểu lộ lòng trìu mến của chúng ta dành cho một người.

          Đây là một thí dụ thiêng liêng.  Có thể bạn biết  Chúa Giê-su đã chết trên thập giá vì bạn, nhưng bạn có thể cảm nghiệm được chân lý này một cách vững vàng hơn mỗi khi bạn làm dấu thánh giá trên bạn hay trên người khác.  Một nhắc nhở bề ngoài như thế khác nào “vọng canh” hoặc “tường thành” Giê-ru-sa-lem biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa (Thánh Vịnh 48:13-14).

          Điều gì giúp bạn cảm nhận được sự hiện diện và che chở của Thiên Chúa?  Có thể là việc chúc bình an trong Thánh lễ nhắc nhở bạn biết Thiên Chúa đang mở rộng tay đón tiếp bạn.  Có thể cái ghế ngồi bằng gỗ nhẵn nhụi và êm ả trong nhà thờ nhắc nhở bạn rằng Chúa là nền móng vững vàng của bạn.  Bạn hãy nghĩ về ngày hôm qua và ráng nhận ra một cảm nghiệm hay một đồ vật nào đó đã giúp bạn nhớ đến Chúa.  Một khi bạn đã quen nhìn như thế, bạn sẽ nhận ra được những thứ nhắc nhở bạn về sự hiện diện của Chúa chung quanh bạn.  Thế giới này đầy những vật thể giúp chúng ta “suy ngắm” về Chúa.

 

          “Lạy Chúa, hôm nay xin cho con thấy Chúa hiện diện với con như thế nào”.