Thứ Bảy tuần 15 Thường niên

Suy niệm Mát-thêu 12:14-21

 

Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó.  (Mát-thêu 12:15)

 

          Chúa Giê-su gần như kiệt sức vì đi lại, rao giảng và làm phép lạ.  Chúa vừa chữa lành một người trong ngày sa-bát, rồi Người thấy mặc dù mình nổi tiếng, nhưng một số Pha-ri-sêu lại đang âm mưu giết Người.  Giả như ở tình huống của Người, bạn sẽ làm gì? 

          Thánh Mát-thêu bảo chúng ta rằng Chúa Giê-su “lánh đi” thay vì dấn thân vào những tranh cãi ấy (Mát-thêu 12:15).  Đó không phải lần đầu tiên Chúa Giê-su tránh né xung đột, nhưng Người đã không gặp khó khăn nào khi can dự với những kẻ phê bình Người, rất nhiều lần còn trực tiếp đối đầu với họ.  Đúng vậy, Chúa Giê-su thường gợi lên cuộc tranh cãi vì giáo lý và những dấu lạ Người làm.  Vậy làm sao Người quyết định sẽ tiến tới hay là bỏ đi?

          Chúng ta không chắc chắn được, nhưng cũng có thể cho rằng Chúa Giê-su đặt căn bản cho quyết định của Người trên sứ mệnh chính của Người là thi hành thánh ý Chúa Cha.  Cho nên có lẽ Người đã chọn bất cứ phương thức nào giúp Người chu toàn thánh ý ấy nhiều nhất.  Người biết chưa tới lúc Người phải chết, nên Người mới âm thầm bỏ đi.  Người có thể ở lại để tranh luận với họ chứ.  Người có thể trấn áp họ bằng cách tố cáo họ.  Người có thể làm nhiều điều khác nữa.  Nhưng cuối cùng, Người đã chọn bỏ đi.  Người đã không bẻ gãy “cây lau đã giập” của những người Pha-ri-sêu hoặc tắt đi “tim đèn leo lét” của những kẻ bị khích động, nhưng khai sáng cho dân chúng (Mát-thêu 12:20).

          Vậy thường thì chúng ta muốn tự vệ ngay lập tức, muốn đẩy lui những kẻ chống lại chúng ta.  Chúng ta thấy thật dễ dàng tố cáo họ hoặc chĩa mũi dùi vào những thất bại của họ như cách để đánh bại những lập luận của họ.  Chúng ta nhử mồi để họ mắc bẫy khi tranh luận, nhưng lại quên đi sứ mệnh của chúng ta là phải yêu thương luôn cả kẻ thù, thay vì đối đáp bằng những phê phán hoặc lên án khắc nghiệt.

          Khi bạn thấy mình bị khiêu khích, hãy dừng lại mà phân định!  Đâu là mục tiêu của bạn?  Hoặc chính xác hơn, đâu là mục tiêu Chúa muốn trong tình huống này?  Nếu bạn cảm thấy tốt hơn nên nhẫn nại, thì khi ấy hãy rút lui, như Chúa Giê-su đã làm.  Nếu bạn nghĩ rằng đây là lúc thuận tiện để tiếp tục nói chuyện, thì hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho bạn ơn biết cảm thông.  Hãy cố gắng nói những lời đem lại bình an hơn là thù nghịch, những lời xây dựng hơn là làm nản lòng người khác.

          Chúa Giê-su luôn giữ thái độ yêu thương, dù Người rút lui hay tiến tới.  Vậy nhờ ơn Chúa giúp, bạn cũng có thể làm như thế.

 

          “Lạy Chúa, xin giúp con phân định để biết đáp lại theo đường lối của Chúa khi một tình huống trở nên tiêu cực”.