Thứ Sáu tuần 15 Thường niên

Suy niệm Mát-thêu 12:1-8

 

Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát.  (Mát-thêu 12:2)

 

          Thực là chuyện thường khi chúng ta đọc thấy trong sách Tin Mừng rằng một nhóm Pha-ri-sêu bắt đầu tranh luận với Chúa Giê-su, như những gì chúng ta đọc trong bài Tin Mừng hôm nay.  Sau khi đọc những câu chuyện như thế, có lẽ người ta dễ dàng coi những người này là kẻ thù của Chúa Ki-tô.  Nhưng có thực như vậy không?  Chúng ta biết gì về những người Pha-ri-sêu?

          Trước tiên, họ hầu hết     là những người giáo dân coi trọng đức tin Do-thái của họ.  Họ tự ý đặt thêm cho mình những đòi hỏi theo lối sống của một tư tế.  Đến ngay cái tên Pha-ri-sêu của họ là bởi từ Do-thái có nghĩa là tách biệt ra, tức Biệt-phái, vì họ tỏ ra mình muốn hoàn toàn hết lòng với Thiên Chúa.

          Họ cũng coi mình là đang dạy dỗ một phương cách dung hòa để tuân thủ Luật Mô-sê.  Lối sống của họ có lẽ dễ chấp nhận đối với người Do-thái trung bình hơn là tham gia vào những nhóm quá khích đương thời, như nhóm Xa-đốc, nhóm Ét-sê-ni, hoặc nhóm Nhiệt thành.

          Sau cùng, họ coi trọng giá trị của nhiều điều giống như Chúa Giê-su coi trọng:  Kinh Thánh, sự thánh thiện, dân Thiên Chúa tuyển chọn.  Nói theo phương diện thần học, họ là những người gần với Chúa Giê-su hơn những nhóm khác.  Thậm chí một số Pha-ri-sêu còn đi theo Người nữa.  Nhưng những người Pha-ri-sêu khác thì coi Người như mối đe dọa cho đức tin Do-thái và có lẽ cho địa vị của họ nữa.  Phần nào đó, bạn có thể nói rằng sự thân cận của họ với Chúa Giê-su có thể đã đưa tới mâu thuẫn.

          Đôi khi tình trạng ấy cũng xảy ra cho chúng ta.  Đúng thế, điều khó nhất đó là sống bình an với những người gần gũi chúng ta nhất, đặc biệt là những người trong gia đình.  Chúng ta biết nhau quá rõ đến nỗi phản ứng thái quá trước những chuyện không đáng kể và tạo nên rạn nứt trong gia đình.  Chúng ta cũng có khuynh hướng quá mong đợi từ nơi người khác, dĩ nhiên vì yêu thương, nên chúng ta thất vọng khi những mong đợi ấy không được thể hiện.

          Theo Mẹ Tê-rê-xa Calcutta, “Yêu người ở xa thì dễ, nhưng không dễ gì yêu thương nhưng người ở gần chúng ta”.   Chúa muốn dạy chúng ta biết yêu thương những người chúng ta có rất nhiều điều tương đồng.  Người ban ơn giúp chúng ta lắng nghe và hiểu họ trước khi chúng ta vội vàng kết luận, phê phán hoặc khơi dậy những vết thương quá khứ.

          Vậy có người nào trong gia đình khiến bạn gặp khó khăn với họ không?  Hãy xin Chúa chúc lành cho họ và đem cả hai người đến gần nhau.  Rồi bạn hãy kiếm cơ hội cho người ấy thấy bạn yêu thương họ.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin hàn gắn mọi chia rẽ của chúng con”.