Chúa Nhật tuần 31 Thường niên

Suy niệm Đệ Nhị Luật 6:2-6

 

Anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.  (Đệ Nhị Luật 6:2)

 

          Kính sợ Đức Chúa nghĩa là gì?  Chúng ta có thực sự phải sợ Chúa không?  Phải, chúng ta đừng khi nào coi nhẹ những lời Kinh Thánh nói trên, vì những lời này xuất hiện hơn ba trăm lần trong Kinh Thánh.  Nhưng kính sợ Chúa không có nghĩa là sống trong sự sợ hãi Chúa, mà là có lòng tôn kính đối với Người.

          Song song với nhiều chân lý khác trong Kinh Thánh, kính sợ Chúa là điều khác với thứ sợ hãi của người đời mà tất cả chúng ta từng quen thuộc.  Kính sợ Chúa là một tư thái tích cực, chứ không phải tiêu cực.  Đó là cách để xây dựng đức tin chúng ta và giúp cho mối tương quan với Chúa được sâu xa hơn, không làm chúng ta xa cách Người.

          Tự bản chất, kính sợ Chúa giúp chúng ta từ chối những ước ao tội lỗi.  Nó hoạt động như một cách bảo vệ chúng ta chứ không trấn áp chúng ta.  Chính sự kính sợ Chúa là động lực thúc đẩy chúng ta nói rằng “Tôi không muốn nói hay làm điều gì khiến tôi phải xa cách Cha trên trời của tôi”.

          Cha mẹ tập cho con cái mình có một thái độ “kính sợ đầy yêu thương”.  Họ dạy con cái mình hãy ở trong những giới hạn nào đó khi nói năng và cư xử, để chúng có thể trở thành những người có trách nhiệm và biết kính trọng người khác.  Về phần con cái, chúng biết rằng những hậu quả sẽ đi theo nếu chúng vượt quá những giới hạn này.  Như thế, một sự “kính sợ đầy yêu thương” đặt nền móng cho đức khôn ngoan nơi con cái.  Đó cũng là cách Kinh Thánh dạy chúng ta rằng “kính sợ Đức Chúa” là bước đầu của khôn ngoan (Châm Ngôn 9:10).

          Kính sợ Chúa là dụng cụ giúp chúng ta được an toàn khi lớn lên và trưởng thành.  Rồi cũng tựa như những dụng cụ khác giúp người ta học hỏi, kính sợ Chúa chỉ giúp đỡ chúng ta một thời gian nào đó thôi.  Dần dần sự kính sợ thánh thiện này sẽ nhường chỗ cho tình yêu, bởi vì “tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1 Gio-an 4:18).  Đúng vậy, đây là một diễn trình lâu dài, nhưng thật là điều khích lệ khi biết rằng ngay sự kính sợ Chúa cũng có thể tan biến đi khi lòng yêu mến phát triển.

           Vậy tất cả chúng ta hãy nhớ kỹ giới răn trọng nhất của Chúa:  “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ” và “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Đệ Nhị Luật 6:5;  Lê-vi 19:18).

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con sống đường lối yêu thương hoàn hảo nhất”.