Thứ Sáu Tuần Thánh

 

Suy niệm Do-thái 4:14-16; 5:7-9

 

Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta.  (Do-thái 4:15)

 

          Ngọn roi xé nát da thịt Người.  Một cây gỗ trĩu nặng đè trên cánh vai Người.  Những mũi đinh đâm thủng tay chân Người.  Khi nghe cuộc Thương khó của Chúa, chúng ta không thể không xúc động bởi những đau đớn thể xác Chúa phải chịu đựng.

          Nhưng còn những buồn phiền tâm lý thì sao?  Đây là một số cảm xúc Chúa Giê-su đã phải chịu:

          Kiệt lực:  Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giê-su biết giờ của Người đã điểm.  Chỉ trong ít giờ nữa, Người sẽ phải đối mặt với kẻ thù và chịu hành hạ cũng như bị giết chết.  Lại nữa, kiệt lực mở đường cho sự phó thác khi Người thưa với Chúa Cha: “Xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lu-ca 22:42).

          Bị nhục mạ.  Mấy ngày trước Chúa Giê-su đã được tung hô là Con vua Đa-vít trên các đường phố.  Giờ đây Người lại bị tố cáo là nói phạm thượng.  Người bị quân lính chế giễu.  Người bị lột hết quần áo.  Người bị đóng đinh giữa hai tên cướp.  Rồi việc Người bị nhục mạ đã trở thành niềm tin tưởng khi Người âm thẩm chịu đau khổ với sự xác tín cao cả (I-sai-a 53:7).

          Bị bỏ rơi.  Bạn hữu chạy trốn rời xa Người.  Trên thập giá, thậm chí Người cảm thấy như Chúa Cha cũng bỏ Người.  Tuy nhiên việc bị bỏ rơi ấy mở đường cho lòng trông cậy:  Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lu-ca 23:46).

          Chúa Giê-su chịu tất cả những điều này vì yêu thương chúng ta, vì yêu thương bạn.  Vì Người đã chịu đau khổ nên Người cảm thông được nỗi đau của bạn.  Có thể bạn đang cảm nghiệm đau khổ ngay lúc này.  Bạn cảm thấy kiệt lực đang lúc chờ đợi kết quả khán nghiệm bệnh tật.  Có thể bạn thấy mình bị nhục nhã vì bạn đã phạm một sai sót hay phạm một tội lỗi.  Có thể bạn bị người phối ngẫu hay cha mẹ bỏ rơi, hoặc   một đứa con hay người anh chị em ruột không muốn nói chuyện với bạn.  Nếu bạn đang đau khổ, hãy nói với Chúa Giê-su.  Người muốn lắng nghe bạn.  Bạn hãy biết rằng Người ở với bạn và Người am hiểu vì chính Người cũng đã từng trải.

          Thập giá Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng chúng ta không có một Thiên Chúa xa vời không thể tới gần được.  Trái lại, Chúa chúng ta đã trở nên người phàm, giống như chúng ta, và đã “bị thử thách mọi đàng” (Do thái 4:15).  Hôm nay khi nhìn lên thập giá, bạn hãy để cho lòng cảm tạ dâng cao trong tâm hồn:  Chúa Giê-su sẽ luôn ở với bạn, qua mọi vui buồn của bạn.  Một ngày kia, từng giọt nước mắt của bạn sẽ được lau khô khi bạn chia sẻ vinh quang phục sinh của Chúa!

 

          “Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa đã yêu thương hy sinh vì con!”