Thứ Bảy tuần 15 Thường niên
Suy niệm Mát-thêu 12:14-21
Đây
là người Tôi Trung…
(Mát-thêu 12:18)
Vào lúc nào đó, có thể bạn không may phải làm việc dưới quyền
một người xếp khó chịu, một người lúc nào cũng bắt lỗi tất cả những gì bạn
làm. Bạn phải nộp lại toàn bộ những báo
cáo chỉ vì một sai sót. Người xếp ấy
luôn chỉ trích bạn vì những điều nhỏ mọn nên cả ngày của bạn chỉ là lo lắng
không biết mình sẽ phạm vào lỗi lầm gì đây.
Vì sợ hãi, bạn không còn thực sự kính trọng uy quyền của người ấy nữa.
Nhưng Chúa Giê-su không phải loại người xếp đó đâu! Người giống như một tôi tớ chứ không phải như
một ông chủ. Người đến để nâng chúng ta
lên tới Thiên Chúa, chứ không ép buộc chúng ta phải tùng phục Người. Có lẽ gương mẫu đẹp nhất về điểm này là Người
đã đối xử với người đàn bà bị bắt phạm tội ngoại tình (Gio-an 8:1-11). Chúa Giê-su đến với chị ta để mang lại ơn tha
thứ, chứ không phải như những kẻ tố cáo chỉ muốn trừng phạt chị ta. Trong câu chuyện này cũng như trong nhiều câu
chuyện khác, chúng ta thấy quyền bính của Chúa Giê-su được đâm rễ sâu trong
lòng thương xót của Người.
Đó là cách Thiên Chúa vẫn còn hành động đối với chúng ta.
Thực khó mà tin, nhất là khi chúng ta có những lỗi phạm. Nếu chúng ta quá chú tâm vào những lỗi phạm ấy,
có thể chúng ta sẽ bắt đầu nhìn Chúa giống như ông xếp khắc nghiệt kia. Chúng ta sợ rằng Người luôn luôn bất mãn vì
chúng ta không chu toàn. Tuy nhiên thực
ra Người yêu thương chúng ta như chúng ta đang ở trong tình trạng hiện thời, lỗi
lầm cùng mình! Như một tác giả tu đức đã
viết: “Nếu Chúa yêu thương tôi, thì tôi
cũng phải chấp nhận chính mình. Tôi
không thể đòi hỏi hơn cả Thiên Chúa đòi hỏi, có phải không?” Hiểu được tình yêu ấy phải là căn bản để
chúng ta cùng bước đi với Người.
Chắc chắn trong đời chúng ta có sự bất toàn hoặc tội lỗi mà
chúng ta muốn diệt bỏ. Đó có thể là tật
nói hành nói xấu, giận dữ, thiếu kiên nhẫn, tham ăn uống… Nhưng thay vì nghĩ đến
khuynh hướng của bạn về những tật xấu này, bạn hãy cố gắng nghĩ đến Chúa
Giê-su. Bạn thử tưởng tượng Người đang
nhìn bạn với lòng thương xót vô điều kiện.
Bạn hãy tiến tới và lãnh nhận lòng thương xót ấy, rồi để cho lòng thương
xót của Chúa biến đổi bạn. Trong Người,
bạn có thể trở nên kiên nhẫn, dịu dàng và dễ thương. Trong Người, bạn có thể nhìn những người khác
với cùng một lòng thương xót ấy. Cứ để
cho Người yêu thương bạn, rồi Người sẽ làm tất cả những gì còn lại!
“Lạy Chúa, con cảm tạ
Chúa vì con không phải đo lường xem mình có đáng được Chúa thương xót hay
không! Xin để cho ý thức này giúp con
yêu mến Chúa nhiều hơn, và cũng để con biết yêu thương người khác như Chúa đã
yêu thương con”.