Thứ Bảy tuần III mùa Chay
Suy niệm Lu-ca 18:9-14
Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ
tội lỗi. (Lu-ca 18:13)
Bạn hãy lắng nghe cho kỹ cách Chúa
Giê-su diễn tả hai người này khi họ cầu nguyện trong Đền Thờ. Người Pha-ri-sêu “cầu nguyện với chính mình”,
khoe khoang về đời sống hy sinh và hãm mình của ông ta. Bạn có thể nhìn thấy ông ta vênh vang
nói: Tôi tốt lành quá đi! Quả thực tôi vượt xa người thu thuế khốn nạn
kia đang ở đằng sau tôi! (Lu-ca
18:11-12).
Ngược lại, Chúa Giê-su mô tả người thu
thuế đang cầu nguyện do lòng ăn năn đích thực về tội lỗi mình. Ông ta không bị thôi thúc do bất cứ ý thức tự
mãn hoặc kiêu căng nào trong những sự chu toàn của mình. Trái lại, dường như ông ta đã nhận thấy rằng
chẳng có điều nào mình đã làm mà lại đúng cả.
Cho nên ông thú nhận mình cần đến lòng thương xót của Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội
lỗi” (Lui-ca 18:13).
Hai nhân vật này cho chúng ta một minh
chứng cụ thể về những lời Chúa phán với ngôn sứ Hô-sê nhiều thế kỷ trước đó: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ” (Hô-sê
6:6). Thiên Chúa muốn tình yêu và lòng
trìu mến của chúng ta, trước hết và trên hết.
Không có lượng hy lễ hay việc lành nào đủ để giúp chúng ta làm đẹp lòng
Chúa, mà chỉ có một tâm hồn mở rộng đón nhận Chúa Giê-su và ơn cứu độ Người đem
lại cho chúng ta nhờ cái chết của Người trên thập giá. Những việc chúng ta làm rất quan trọng đối với
Chúa, nhưng tự chúng không bao giờ có thể làm cho chúng ta được nên công chính
trước mặt Người.
Trong khi người Pha-ri-sêu tỏ ra khoe
khoang tự tin thì người thu thuế lại tỏ ra khiêm nhường thống hối và tín thác
nơi Chúa. Nếu chúng ta muốn trở về nhà
và “đã được nên công chính” giống như người thu thuế – nghĩa là chúng ta cảm
nghiệm được sự tự do bởi có mối tương quan sống động với Chúa – thì chúng ta phải
bỏ đi lối tự mãn bướng bỉnh và đặt hết lòng tin vào Chúa Giê-su và vào sự công
chính Người đã đem lại cho chúng ta (Lu-ca 18:14).
Đây dường như là một mệnh lệnh tối
cao, đồng thời có phần nào lý thuyết nữa.
Nhưng nếu bạn dành thì giờ cầu nguyện với Chúa và suy niệm Kinh Thánh mỗi
ngày, thì việc cảm nghiệm sự tự do ấy thế nào cũng được thực hiện. Bạn sẽ khám phá ra rằng Chúa muốn làm nhiều
hơn nữa, chỉ là để giúp bạn trở thành một người tôi tớ vâng lời. Người muốn làm cho bạn trở thành bạn hữu của
Người, bằng cách cất đi tội lỗi đã phân cách bạn với Người. Nhưng quan trọng nhất, bạn sẽ thấy mình đang
yêu mến Chúa để đáp lại.
“Lạy
Cha, con cảm tạ Cha đã thương xót con là kẻ tội lỗi. Xin cho đời con trở nên hữu dụng cho Chúa và
làm cho danh Chúa được vinh hiển”.