Thứ Ba tuần 3 Thường niên

Suy niệm 2 Ti-mô-thê 1:1-8

Lễ thánh Ti-mô-thê và Ti-tô

 

Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.  (2 Ti-mô-thê 1:2)

 

          Hôm nay chúng ta mừng kính hai người bạn đồng hành nổi tiếng nhất của thánh Phao-lô:  Ti-mô-thê và Ti-tô.  Cả hai đều là những người trẻ khi họ bắt đầu làm việc cùng với Phao-lô và cả hai đều trưởng thành để trở nên các vị lãnh đạo của Giáo Hội theo đúng nghĩa.  Chúng ta không được biết gì về thánh Ti-tô, còn Ti-mô-thê thì Kinh Thánh cho chúng ta một bức chân dung về ngài.  Vậy chúng ta hãy xem có thể học được gì nơi cuộc đời sống trong Chúa của vị thánh này.

          Là một thành viên được kính trọng thuộc cộng đoàn Ki-tô tại Lýt-ra, Ti-mô-thê đã có một lòng yêu mến Chúa sâu xa (Công Vụ Tông Đồ 16:2).  Trước hết chúng ta nghe nói về ngài khi Phao-lô thăm Lýt-ra trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai của ngài.  Phao-lô gặp người thanh niên này và rất ngưỡng mộ đức tin của Ti-mô-thê nên ngài đã mời anh đi theo làm người trợ tá.

          Có hai điều hiển nhiên trong những thư của Phao-lô gửi Ti-mô-thê là sự thiếu kinh nghiệm của nhà lãnh đạo trẻ này và khuynh hướng hay nhút nhát trong vai trò lãnh đạo.  Thánh Phao-lô khuyên ngài hãy đứng vững và không lùi bước trước những giáo lý sai lầm – chủ yếu là thái độ hơi nhu nhược và phải đối đầu với những vấn đề đe dọa đức tin của cộng đoàn Ki-tô tại Ê-phê-xô (1 Ti-mô-thê 1:18-20).  Trong một dịp khác, thánh Phao-lô nhắc nhở ngài cần phải tự tin khi nói với cộng đoàn (2 Ti-mô-thê 1:7) và phải sống sao cho xứng đáng (1 Ti-mô-thê 5:1-6).

          Xem chừng Ti-mô-thê cũng không hoàn hảo lắm phải không?  Nhưng điều tích cực của ngài đó là thái độ cởi mở đón nhận sự chỉ dạy và khích lệ của thánh Phao-lô.  Thời gian qua đi, thánh Phao-lô bắt đầu tin tưởng Ti-mô-thê hơn và trao phó cho ngài trọn vẹn hơn (Phi-líp-phê 2:19-23).

          Những khuyết điểm của Ti-mô-thê dạy chúng ta rằng Thiên Chúa có thể viết thật thẳng trên dòng kẻ ngoằn ngoèo.  Người có thể làm việc với những con người bất toàn.  Giống như Ti-mô-thê, chúng ta cần phải để mình được đào tạo và biến đổi theo thời gian.  Làm như vậy, chúng ta sẽ có thể thực hiện những việc lạ lùng cho Tin Mừng.  Nếu Chúa có thể hành động trong Ti-mô-thê, thì Người cũng có thể hành động trong mỗi người chúng ta.  Vậy bạn hãy hiến thân cho Chúa, và để Người biến đổi bạn thành một sứ giả của Người!

 

          “Lạy Cha, con cảm tạ Cha về gương mẫu trung thành phục vụ của thánh Ti-mô-thê.  Xin Cha sai Thánh Thần đến để dạy dỗ mọi người nên giống như ngài là người thành tâm yêu mến Cha và ước ao phục vụ Giáo Hội của Cha bằng bất cứ giá nào”.