Thứ Ba tuần 7 Thường niên
Suy niệm Gia-cô-bê 4:1-10
Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung
đột giữa anh em? (Gia-cô-bê 4:1)
Tất cả chúng ta đều không muốn biết
sao? Chúng ta thấy thế giới chúng ta bị
chiến tranh làm cho tan nát. Chúng ta thấy
những xung đột có mặt ở mọi tầng lớp xã hội, kể cả những chia rẽ đang đe dọa
phá đổ gia đình chúng ta. Các nền văn
minh đã đối phó với xung đột dưới mọi hình thức từ khi lịch sử bắt đầu. Đúng vậy, thường thì có những lý do chính trị
phức tạp, nhưng thánh Gia-cô-bê lại gạt qua một bên những lý do ấy để nói thẳng
với chúng ta rằng sự xung đột bắt nguồn từ tội lỗi, từ những điều ở nội tâm
chúng ta đối nghịch với Thiên Chúa.
Chúng ta có thể không luôn nhận ra nó,
nhưng một cuộc chiến đang sôi lên ngay bây giờ trong tâm hồn chúng ta! Những điều chúng ta ước muốn được Thiên Chúa
ban lại trái ngược với những điều chúng ta ước muốn từ thế gian này (Ga-lát
5:17). Khi chúng ta đối phó với những ước
muốn trái ngược nhau này, thì cuộc chiến nội tâm có thể trở thành ngoại tại và
gây nên xung đột với người khác. Không
ai thoát khỏi tình trạng căng thẳng này:
thậm chí các tông đồ cũng cãi cọ nhau xem ai là kẻ lớn nhất (Mác-cô
9:33-34)!
Vậy đâu là câu trả lời? Chúng ta có nên giơ tay đầu hàng và rút lui
khỏi cuộc sống tranh đấu và chiến tranh không?
Nhất định là không! Thánh
Gia-cô-bê đề ra kế hoạch hai bước để thắng vượt xung đột: chúng ta phải phó thác mình cho Chúa và chống
lại sự dữ. Nếu chúng ta đến với Chúa,
Người sẽ đến với chúng ta (Gia-cô-bê 4:7-8).
Tuy nhiên khi chúng ta bắt đầu bất cứ bước nào, trước hết chúng ta phải
nhìn vào chính mình để nhận diện cuộc chiến chúng ta phải đối phó. Khi nhận thấy mình không thể tự sức mình để đối
phó với nó, thì chúng ta phải sẵn sàng xin Chúa giúp đỡ!
Nếu bạn muốn có hòa bình trên thế giới
này, hãy bắt đầu xây dựng hòa bình trong chính cuộc đời bạn. Hãy khiêm nhường hướng tâm hồn lên với Chúa
và cầu xin Người giúp bạn chống lại những dục vọng đang lôi kéo bạn xa
Chúa. Làm như vậy, bạn sẽ chiến thắng dần
dần. Bạn sẽ trở nên hiếu hòa hơn, khi bạn
gắn bó hơn với Chúa Giê-su, Thái Tử Bình An.
Khi ấy, những người trong gia đình bạn, tại sở làm và trong cộng đồng của
bạn sẽ được lôi cuốn đến với bạn, khi họ cảm nhận được sự bình an nơi bạn, rồi
họ cũng sẽ bắt đầu thay đổi. Bình an phải
“bắt đầu với bạn” trước!
“Lạy
Chúa, như Chúa đã khiến cho biển Ga-li-lê yên lặng, xin Chúa cũng làm cho sóng
gió trong con yên lặng. Xin cho bình an
của Chúa chủ trị tâm hồn con và trở thành cái phao cho những người chung quanh
bám víu!”