Thứ Sáu tuần 10 Thường niên
Suy niệm 1 Vua 19:9, 11-16
Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt
Đức Chúa. (1 Vua 19:11)
Mạng sống của ngôn sứ Ê-li-a đang gặp
nguy hiểm. Sau khi chiến thắng các ngôn
sứ của thần Ba-an trên núi Các-men, Ê-li-a chạy trốn để tránh cơn giận dữ của
hoàng hậu I-de-ven đang sôi sục cuối chân trời tựa cơn giông bão đe dọa. Lo lắng và chán nản, tuy vẫn chú tâm vào một
giai đoạn mới của tác vụ ngôn sứ, Ê-li-a cần được nghe tiếng Chúa – và sứ giả của
Đức Chúa đã hứa rằng ông sẽ được nghe.
Nhưng chỉ sau khi Ê-li-a trải qua cơn
giông bão, ngài mới có thể nghe được tiếng Chúa trong “tiếng gió hiu hiu” (1
Vua 19:12).
Câu chuyện ngôn sứ Ê-li-a để lại một
tư tưởng khích lệ chúng ta làm sao nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta. Trong ước mong tự nhiên của chúng ta muốn
tránh những tình huống gây áp lực hoặc khó khăn, chúng ta có thể nghĩ rằng cách
duy nhất nghe được tiếng Chúa là trong những lúc đẹp đẽ, thinh lặng khi chúng
ta riêng biệt và tự do ở với Người trong cầu nguyện hoặc suy gẫm lời Người. Dĩ nhiên những thời giờ như vậy là cốt yếu,
nhưng đó không phải là đường lối duy nhất Chúa nói với chúng ta. Và đó cũng không phải luôn luôn là đường lối
hữu hiệu.
Đúng thế, Chúa thường sử dụng những
cơn sóng gió trong đời chúng ta để giúp chúng ta tìm thấy sự hiện diện và đức
khôn ngoan của Người. Sự sống không phải
là một bức tranh hoàn hảo. Chúng ta biết
cuộc sống tựa như bị kèn cựa do những sức mạnh vượt tầm kiểm soát của chúng ta
và do những tình huống ảnh hưởng tới sức khỏe, hoặc con cái chúng ta và tương
lai của chúng. Nền móng của chúng ta bị
lung lay do những vấn đề chúng ta không thể sửa chữa, và điều ấy có thể khiến
chúng ta bị suy yếu.
Nhưng lại luôn có một ân phúc giấu ẩn
trong những tình huống khó khăn ấy:
chúng có thể làm cho chúng ta quỳ gối xuống mà cầu nguyện. Chính lúc chúng ta thấy mình đã hầu như sức
tàn lực kiệt, thì cũng như ngôn sứ Ê-li-a, chúng ta lại dễ dàng lắng nghe được tiếng
thì thầm của Chúa Giê-su. Chúng ta cảm
nhận mình cần đến Người giữa bất cứ cơn giống tố nào đang cuồn cuộn chung quanh
chúng ta.
Điều khiến chúng ta ngạc nhiên làm sao
vượt qua được những bão táp, đó là khi chúng ta có thể nhìn lại và ý thức rằng
tiếng thì thầm của Chúa Giê-su đã ở với chúng ta suốt thời gian ấy. Người đã hứa:
“Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mát-thêu
28:20). Vậy mỗi khi bạn phải đương đầu với
bão tố cuộc đời, hãy hết sức cố gắng bám chặt lấy Chúa Giê-su. Hãy tin rằng ngay giữa cơn xáo trộn, bạn vẫn
có thể nghe được Chúa nói và biết được Người đang hiện diện.
“Lạy
Chúa Giê-su, xin giúp con bám chặt lấy Chúa qua cơn bão táp, để con có thể học
nghe tiếng Chúa”.