Chúa Nhật tuần 21 Thường niên

Suy niệm Do-thái 12:5-7, 11-13

 

Chúa đối xử với anh em như với những người con.  (Do-thái 12:7)

 

          “Mối tương quan”.  Sách từ điển định nghĩa từ này là “cách thức hai hoặc nhiều người nói chuyện với nhau, đối xử với nhau và ứng phó với nhau”.  Các mối tương quan có thể mang tính cách hình thức, thí dụ tương quan trong công ăn việc làm, hoặc tương quan có thể là riêng tư, thân mật như tương quan giữa cha mẹ với con cái.  Trong khi chúng ta thường nghĩ mối tương quan với Thiên Chúa giống như kiểu tương quan hình thức, thì Chúa lại muốn tương quan ấy phải như loại tương quan thứ hai.

          Bạn có biết là mình được Thiên Chúa yêu quý không?  Bạn có biết là Chúa thích dành thì giờ ở với bạn, tỏ cho bạn thấy tình yêu của Người và lo lắng mọi sự cho bạn không?  Thiên Chúa như thế đấy.  Người thích đối xử với bạn như với con cái Người, đến nỗi Người nhất định cố gắng dạy dỗ và đào tạo bạn, để bạn có thể “trưởng thành” giống như Người.

          Cũng như bất cứ bậc cha mẹ nào, một phần trong việc dạy dỗ bạn là việc sửa phạt.  Việc sửa phạt chỉ có nghĩa là Chúa muốn sửa đổi chúng ta khi chúng ta sai đường, vì Người yêu thương chúng ta đến nỗi không thể làm ngơ cho chúng ta.  Rất bình thường khi nghĩ đến việc sửa phạt, chúng ta nghĩ đến hình phạt và đau đớn.  Nhưng việc Chúa sửa phạt là để đem lại sức sống.  Việc sửa phạt này không làm chúng ta phải hổ thẹn, nhưng đem lại hy vọng.  Nó mang đến lời hứa ban bình an và sung sướng, vì nó giúp chúng ta trở nên đúng với con người mà Chúa muốn khi Người tạo dựng chúng ta.

          Cha chúng ta sửa phạt chúng ta như thế nào?  Có thể Người thúc giục chúng ta hãy xin một người bạn tha thứ cho chúng ta.  Có thể Người đánh động lương tâm chúng ta khi chúng ta đang xét xem có nên coi một cuốn phim không đàng hoàng hoặc phí thời giờ lang thang trong mạng internet.  Có thể Chúa để cho những tình huống khó khăn khiến chúng ta tìm kiếm ân sủng Người thay vì cậy vào sức riêng chúng ta.  Cũng có thể Người để chúng ta phải đau khổ do những hậu quả tội lỗi chúng ta, như một cách để dạy dỗ và huấn luyện chúng ta.  Trong tất cả những cách thức như thế, Cha trên trời của chúng ta chỉ tìm cách để yêu thương và dạy dỗ chúng ta mà thôi.

 

          “Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã gọi con là con Cha.  Con không muốn bất cứ điều gì ngăn cách Cha với con.  Xin Cha giúp con chấp nhận việc sửa dạy của Cha”.