Thứ Sáu tuần 21 Thường niên

Suy niệm 1 Cô-rin-tô 1:17-25

 

Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất.  (1 Cô-rin-tô 1:18)

 

          Đâu là điều vô lý nhất bạn đã nghe?

          Có lẽ thật vui khi một đứa bé lên năm kể chuyện cười, nhưng chính nó lại cười to đến nỗi không sao kể hết được cái kết bật cười của câu chuyện ấy, vậy mà nó lại làm cho mọi người phải cười lăn ra với nó.  Có lẽ một đoạn You Tube ghi lại một con vật hành động giống như người hoặc ngược lại một người hành động giống như một con vật.  Có lẽ là một điều gì đó trong thế giới thiên nhiên:  con cá có màu sắc rực rỡ sống dưới vùng nước sâu, hoặc một con vật người ta không biết phải xếp nó vào loại động vật nào, thí dụ con cáo mỏ vịt vừa sống trên bờ vừa sống dưới nước.  Ai bảo Chúa không có óc tiếu lâm?

          Khi các triết gia thành A-then xứ Hy-lạp nghe thánh Phao-lô kể câu chuyện Chúa Giê-su, họ thấy câu chuyện chẳng có lý chút nào.

          Bạn thử suy nghĩ điểm này một chút xem sao.  Nếu bạn chưa bao giờ nghe câu chuyện sau đây, liệu bạn có thể tưởng tượng ra được không?  Bạn hãy nghĩ đến Đấng tạo dựng vũ trụ.  Người phản ứng thế nào khi các tạo vật của Người chối bỏ Người và quyết định rằng chúng có thể phát triển theo cách riêng của chúng, chứ không theo đường lối Người dựng nên chúng?  Thay vì bỏ cuộc, hủy diệt chúng và bắt đầu lại, Thiên Chúa lại can thiệp cho chúng, lập đi lập lại nhiều lần.  Khi mọi can thiệp đã không thành công, Chúa thực hiện một cuộc đánh liều vĩ đại.  Thiên Chúa thiêng liêng và vô hình đã sinh ra làm một con trẻ.  Đấng Tạo dựng toàn năng trở nên yếu đuối và lệ thuộc.  Bị hiểu lầm và bị chối bỏ do chính những kẻ Người đã đến để cứu vớt, Người chấp nhận cái chết nhục nhã.  Thế rồi ba ngày sau, Người trở lại, sáng láng rực rỡ và đang sống động.

          Theo quan điểm “thực dụng” của loài người, còn điều gì kỳ cục hơn thế không?  Không gì có thể giải thích được điều ấy ngoại trừ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa yêu thương chúng ta và việc Người tự nguyện thực hiện một điều thái quá để đem chúng ta trở lại với Người.  Đó chẳng là gì khác ngoài cái luận lý của tình yêu Thiên Chúa.

          Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng như với tất cả chúng ta là những kẻ tin, câu chuyện Tin Mừng hoàn toàn có ý nghĩa.  Đó là vì câu chuyện ấy là kết quả của điều ngài gọi là “luận lý của thập giá, trước hết không phải luận lý của đau khổ và cái chết, mà là luận lý của tình yêu và tự hiến thân để mang lại sự sống”.

          Nếu chúng ta “có được” trò đùa này của Thiên Chúa, thì việc đáp trả thích hợp nhất của chúng ta là hãy cảm tạ và ăn mừng.

 

          “Lạy Cha, con vui mừng trong tình yêu Cha yêu thương con.  Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa đã đến chia sẻ mọi lãnh vực đời sống của con.  Lạy Chúa Thánh Thần, đức khôn ngoan của Chúa vượt trên sức con tưởng tượng.  Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, con mừng vui không ngớt vì sự phục sinh!”