Thứ Hai tuần 27 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 10:25-37

 

Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường… thấy vậy thì chạnh lòng thương.  (Lu-ca 10:33)

 

          Chúng ta rất thường nghe được những lời trên.  Có những bệnh viện và những luật lệ mang tên Người Sa-ma-ri nhân lành;  người ta có thể gọi bạn là Người Sa-ma-ri nhân lành khi bạn làm việc gì giúp đỡ người khác.  Nhưng quá quen thuộc với từ ngữ ấy khiến chúng ta đánh mất đi một điểm quan trọng.

          Khi Chúa Giê-su kể dụ ngôn này, người ta giật mình.  Dân Do-thái không chỉ nhìn người Sa-ma-ri như những kẻ sống ngoài lề xã hội.  Họ còn coi những người ấy như kẻ thù.  Người Do-thái thế kỷ thứ nhất nhìn người Sa-ma-ri tựa như người Hoa-kỳ nhìn thành phần Đức quốc xã trong đệ nhị Thế chiến vậy.

          Cho nên hình ảnh một người Sa-ma-ri là anh hùng trong một câu chuyện và gương mẫu lòng thương xót chắc chắn làm cho nhà thông luật đang hỏi Chúa Giê-su phải ngạc nhiên. Theo lý thuyết, nhà thông luật đã nhìn nhận rằng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là điều quan trọng.  Nhưng khó mà chấp nhận rằng một người Sa-ma-ri lại có thể đầy tràn tình yêu đến độ ngừng lại để cứu giúp một người Do-thái bị thương, băng bó vết thương cho ông ta và trả tiền cho chủ quán chăm sóc ông ta.

          Hôm nay câu chuyện dụ ngôn này có thể làm chúng ta ngạc nhiên như thế nào?  Chúng ta hãy nhìn vào câu chuyện dưới một góc độ khác.  Bạn thử tưởng tượng mình chính là kẻ bị thương.  Ai là người mà bạn cho rằng họ sẽ giúp đỡ bạn ít nhất ở hiện trường?  Liệu kẻ “anh hùng” trong câu chuyện dụ ngôn của bạn có phải là đứa con khó chịu hoặc ngỗ nghịch đi ra ngoài để mua cho bạn một món quà mừng sinh nhật bạn không?  Hoặc đó có phải là người đồng nghiệp ích kỷ làm cùng sở đến chia sẻ với bạn đang khi bạn gặp cơn khủng hoảng gia đình không?  Hoặc để mở rộng quan niệm, một người vô thần đã tặng một số tiền lớn cho cơ quan bác ái Công giáo giúp cứu trợ cho một thiên tai ở nước ngoài không?

          Những thí dụ kể trên có thể khó chấp nhận, nhưng đó chính là trọng điểm của dụ ngôn đấy!  Mỗi người chúng ta là một người con của Chúa, vừa có khả năng sống nhân đức vừa có khả năng phạm tội lỗi.  Trong sự pha trộn ấy, điều tốt đôi khi tỏa sáng ngay nơi những người chúng ta không ngờ.  Đó là vì sự tốt lành chính là sự phản ánh sự sống của Thiên Chúa, và mỗi người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, thậm chí những người chúng ta nghĩ là họ xa cách Chúa nhất cũng vậy.

          Cho nên khi nghĩ tới những người khiến cho bạn thất vọng hoặc làm cho bạn khó chịu, bạn hãy nhìn vào sự tốt lành của họ và hãy vui mừng khi bạn nhận ra được sự tốt lành ấy.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa mở mắt con để con nhận ra sự hiện diện của Chúa, ngay trong những người con khó có thể chấp nhận họ”.