Thứ Hai tuần 30 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 13:10-17

 

Bà ấy bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích   đó trong ngày Sa-bát sao?  (Lu-ca 10:16)

 

          Dĩ nhiên là người đàn bà này cần được giải phóng!  Đã phải chịu đau khổ vì một khuyết tật suốt mười tám năm, bà có quyền để đến với Chúa Giê-su.  Lại nữa, việc bà được chữa lành kéo theo một cơn bão lửa đầy phê bình chỉ trích.  Bạn mong là ông trưởng hội đường sẽ cùng với cộng đoàn vui mừng vì phép lạ ông vừa chứng kiến, vậy mà ông lại lôi Luật Mô-sê ra để trách mắng người đàn bà ấy.  Đáp lại, Chúa Giê-su hỏi ông trưởng hội đường một câu hỏi rõ ràng mang tính cách hùng biện:  “Chẳng lẽ bà ấy lại không được cởi xiềng xích (của Xa-tan) trong ngày Sa-bát sao?” (Lu-ca 13:16).

          Chỉ một câu hỏi này thôi cũng đủ soi sáng cho một vấn đề sâu rộng.  Có lẽ theo lý thuyết, người đàn bà này không nên được chữa lành vào ngày Sa-bát.  Nhưng Chúa Giê-su lại quan tâm đến con người hơn là những luật lệ, nên chúng ta cũng phải làm theo như vậy.  Khi chúng ta phải đối phó với những hoàn cảnh làm cho người ta bị què quặt, chúng ta cũng nên tự hỏi:  “Chẳng lẽ mọi người lại không thể có được nơi ăn chốn ở đàng hoàng và nước sạch sao?  Chẳng lẽ mọi người không nhận được chăm sóc y tế và vui vẻ có bè bạn sao?  Dĩ nhiên họ cần có chứ!

          Chỉ với một câu hỏi thôi, Chúa Giê-su đã mở ra điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gọi là “văn hóa dửng dưng”.  Ngài cũng nhắc đến phương thức chữa trị:  hãy xây dựng một “nền văn hóa gặp gỡ”.  Chúa Giê-su đã không chỉ chữa lành người đàn bà;  Người còn gọi bà là “con cháu ông Áp-ra-ham” nữa (Lu-ca 13:16).  Người đặt bà ngang hàng với mọi người và đối xử với bà bằng một phẩm giá lớn lao.

          “Con cháu ông Áp-ra-ham” thực là một cụm từ đơn giản.  Tất cả ý nghĩa đều nằm trong đó.  Thậm chí cử chỉ liên đới nhỏ mọn nhất cũng có thể “xây dựng những ràng buộc, vun trồng những mối tương quan, tạo nên những mạng lưới mới cho tính cách liên kết của chúng ta và đan dệt một nền tảng xã hội vững chắc” (Huấn dụ Niềm vui tình yêu, 100).  Người ta không cần thật nhiều nỗ lực mới có thể bắt đầu xóa đi thái độ dửng dưng và nối những nhịp cầu yêu thương.

          Người ta có thể bắt đầu với những điều bé nhỏ, thí dụ một ánh mắt nhân từ.  Có thể là quyết định chạy xe chậm lại một chút và chú ý lắng nghe một người, hoặc tặng chai nước cho một người đang ở bên đường.  Bắt đầu ở những việc nhỏ vậy thôi, nhưng rồi sẽ xóa bỏ được cái tính dửng dưng.  Một khi bạn đã dập tắt được tính dửng dưng, hãy cố gắng gấp đôi những nỗ lực của bạn.  Làm như vậy, bạn sẽ thấy Chúa đổ ơn Người xuống cho bạn gấp đôi.  Chẳng lẽ mọi người không cần được giải thoát sao?  Cần chứ!

 

          “Lạy Chúa, vâng, con cái Chúa cần được giải thoát.  Con muốn giúp đỡ cho bất kỳ ai Chúa cho con gặp.  Xin Chúa mở mắt con!”