Thứ Năm tuần 32 Thường niên
Suy niệm Phi-lê-môn 7-20
Nó đã xa anh một
thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn. (Phi-lê-môn
15)
Đang
khi là một tù nhân tại Rô-ma, thánh Phao-lô đã viết bức thư mang tính cách
riêng tư này cho ông Phi-lê-môn, một Ki-tô hữu và cũng là chủ nhân của một người
nô lệ tên là Ô-nê-xi-mô. Ô-nê-xi-mô đã bỏ
trốn khỏi ông chủ và đi tới Rô-ma, ở đây anh trở lại đạo nhờ việc rao giảng của
thánh Phao-lô. Ngài muốn người nô lệ ấy
hãy trở về với ông Phi-lê-môn, nên đã gửi bức thư này cho Phi-lê-môn, đồng thời
cũng muốn cho hai người hòa giải với nhau.
Dù chế
độ nô lệ là điều kinh hoàng, nhưng nó vẫn là một phần thuộc văn hóa thời thánh
Phao-lô. Phao-lô không công kích chế độ nô
lệ; những cộng đồng Ki-tô bé nhỏ giữa đế
quốc Rô-ma không đủ tư thế để chống lại thể chế ấy. Trái lại, Phao-lô đã có một chủ trương cách mạng
trong thời ngài. Ngài xin ông bạn
Phi-lê-môn hãy đón nhận Ô-nê-xi-mô trở lại, không phải như một tên nô lệ, nhưng
như một người bạn trong Chúa (Phi-lê-môn 16).
Thánh
Phao-lô coi sự hiệp nhất trong thân thể Chúa Ki-tô cần phải loại bỏ đi mọi địa
vị thế tục, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế xã hội, chủng tộc và quốc gia. “Không còn chuyện phân biệt
Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ
là một trong Đức Ki-tô” (Ga-lát 3:28).
Chúng
ta được kêu gọi đến với cùng một sự hiệp nhất ấy để làm anh chị em của
Chúa. Thật là thảm họa khi chế độ nô lệ
vẫn tồn tại ở nhiều phần đất trên thế giới.
Chia rẽ và thành kiến ở khắp nơi, thậm chí ngay trong giáo xứ và các gia
đình. Chúng ta thường cách biệt mình với
người khác chỉ vì chủng tộc, quốc gia, nghề nghiệp, chính kiến, giáo dục, hoặc địa
vị xã hội. Mỗi thứ chia rẽ lại làm buồn
lòng Chúa thêm một chút.
Thánh
Phao-lô khích lệ ông Phi-lê-môn coi anh Ô-nê-xi-mô như người anh em trong Chúa
Ki-tô. Cũng thế, chúng ta cần coi nhau
giống như vậy. Nhờ cái chết và sự phục
sinh của Chúa Giê-su, mọi rào cản của tội lỗi phân rẽ chúng ta đã bị phá bỏ. Rồi vì Chúa Giê-su đã đổ Thánh Thần xuống tâm
hồn chúng ta, giờ đây tất cả chúng ta đều có thể đến với nhau.
Bạn làm
sao có thể giúp cho giấc mơ hiệp nhất này thành sự thật? Có lẽ bạn sẽ chú ý đến một mối tương quan mà
bạn có thể giúp hòa giải. Có lẽ bạn sẽ
xin Chúa ban thêm Thánh Thần xuống trên giáo xứ bạn để đem anh chị em đến gần
nhau hơn. Có lẽ bạn ăn chay một tuần một
lần để cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các giáo hội.
“Lạy Chúa Giê-su, Chúa không ưa sự chia rẽ. Nhờ Thánh Thần, xin Chúa làm cho chúng con mạnh
mẽ để yêu thương nhau. Lạy Chúa, xin cho
chúng con nên một”.