Thứ Bảy tuần V Phục Sinh
Suy niệm Công vụ Tông đồ 16:1-10
Ông Phao-lô đã đem ông ấy đi làm phép cắt
bì. (Công vụ Tông đồ 16:3)
Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, chúng
ta thấy thánh Phao-lô làm một quyết định hiếu kỳ. Mặc dù trong các thư, ngài hăng hái viện chứng
rằng các Ki-tô hữu gốc dân ngoại không cần phải chịu phép cắt bì, thế mà ngài lại
quyết định đem Ti-mô-thê đi làm phép ấy.
Thánh sử Lu-ca bảo chúng ta rằng Phao-lô muốn người bạn trẻ đồng hành với
ngài sẽ có cơ hội tốt nhất để được những người mà anh tiếp xúc lắng nghe và
kính trọng anh.
Vì cha của Ti-mô-thê là người Hy-lạp
và mẹ là người Do-thái, nên căn cước của anh có thể bị người ta đặt vấn đề. Anh thực sự là người dân ngoại hay là người
Do-thái? Điều này xem ra không có gì
quan trọng đối với chúng ta, nhưng nếu Ti-mô-thê muốn đến với những người
Do-thái, thì quả thực đó là một hy sinh lớn khi ra đi rao giảng Tin Mừng. Cho nên quyết định này đúng là một nỗ lực “trở
nên mọi sự vì mọi người” như lời Phao-lô nói (1 Cô-rin-tô 9:22).
Chúng ta có thể gặp thấy một phương
sách tương tự nơi thánh Phan-xi-cô
Xa-vi-ê, một trong số những cha dòng Tên tiên khởi. Khi đến Nhật-bản để truyền giáo, ngài đã theo
cùng một cách tiếp cận đã giúp ngài thành công ở Ấn-độ: ngài ăn mặc như một người thuộc thành phần
nghèo trong xã hội của họ. Tuy nhiên dần
dần ngài hiểu ra rằng cách tiếp cận này không giúp ích mấy tại miền đất mới Nhật-bản. Cho nên ngài quyết định tỏ ra mình là một người
học thức và văn hóa cao. Như ngài đã học,
đây là cách tốt nhất để ngài làm một vị sứ giả hết sức lôi cuốn và hữu hiệu
trong văn hóa quốc gia ấy.
Có thể chúng ta không phải đến với một
văn hóa khác theo cách Phao-lô, Ti-mô-thê và Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã làm, nhưng
chúng ta vẫn có thể là một chứng nhân hữu hiệu.
Đó có thể là khi chúng ta sửa đổi lại cách hành động hay ăn mặc, để
thích hợp với những người chúng ta đang sống với họ. Thí dụ, nếu bạn muốn giúp việc tại một kho chứa
thực phẩm dành cho người nghèo, thì đừng đóng bộ com-lê sang trọng làm gì. Hoặc nếu bạn đang giúp cho một đoàn thể giới
trẻ trong giáo xứ, có lẽ bạn nên học biết một chút về âm nhạc người trẻ thích
nghe.
Chúng ta có thể dùng đầu óc mà tưởng
tượng để tìm ra những cách thức mới tiếp cận với người khác, mặc dù chúng ta vẫn
không quên lấy trái tim của mình để cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan. “Điều gì sẽ giúp ích nhất khi tôi mở ra cánh
cửa để chia sẻ câu chuyện của tôi với người này?” “Có những trở ngại nào tôi có thể dễ dàng dẹp
bỏ không?” Từng bước nhỏ như thế sẽ có
thể giúp bạn thực hiện mọi sự thay đổi!
“Lạy
Chúa, xin giúp con làm một chứng nhân hữu hiệu giữa những người chung quanh
con”.