Thứ Bảy tuần 18 Thường niên

Suy niệm Kha-ba-cúc 1:12-2:4

 

Đức Chúa trả lời tôi.  (Kha-ba-cúc 2:2)

 

          Ngôn sứ Kha-ba-cúc sắp sửa bước vào một trong những cuộc đàm thoại rất tuyệt vời trong Kinh Thánh.  Tuy nhiên khởi đầu thì không có gì đặc biệt cả.  Kha-ba-cúc bối rối và đau lòng.  Ít-ra-en đã đầy dẫy những bạo lực và bất công, nên ngài muốn biết Thiên Chúa sắp làm gì về tình trạng này.  Nhưng như câu chuyện mở ra dần dần, ngài thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa và thị kiến của ngài đầy niềm hy vọng.

          Bạn có tin là có thể nghe Chúa nói với bạn không?  Bạn có thể chứ.  Chúa thích nói với con cái Người.  Chúng ta hãy xem vị ngôn sứ này đã nói và lắng nghe Chúa như thế nào, để chúng ta có thể học hỏi nơi ngài.

          Ngôn sứ Kha-ba-cúc đến gặp Chúa với câu hỏi:  “Ngài không thể nhìn xem cảnh khốn cùng, tại sao Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngai lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt chửng người chính trực hơn mình?” (Kha-ba-cúc 1:13).  Tại sao Thiên Chúa lại để cho mọi sự ra xấu xa như thế?  Vị ngôn sứ đã không sợ dốc hết tâm hồn và hỏi Chúa những câu hỏi khó trả lời và còn có tính cách đòi hỏi nữa.

          Nhưng Kha-ba-cúc không chỉ mạnh dạn, ngài còn bền chí và iiên nhẫn nữa:  “Tôi sẽ ra đứng ở chòi canh, đứng gác trên tường hay canh chừng xem Người nói với tôi điều gì và đáp lại nỗi bất bình của tôi ra sao” (Kha-ba-cúc 2:1).  Thỉnh cầu chỉ một điều thôi chưa đủ.  Ngài còn tiếp tục xin.  Ngài tiếp tục lắng nghe, cố gắng nhận định tiếng Chúa giữa muôn ngàn tiếng nói khác ở trong ngài và chung quanh ngài.  Kha-ba-cúc cho chúng ta thấy sự chuyên cần cầu nguyện là điều quan trọng nếu chỉ vì tình bạn hiện diện!

          Sau cùng, Thiên Chúa đã nhận lời.  Nhưng điều đầu tiên Thiên Chúa nói là điều gì?  “Hãy viết lại thị kiến” (Kha-ba-cúc 2:2).  Con hãy chắc chắn mình đang theo dõi những lời Ta nói với con, kẻo con quên chúng hoặc lẫn lộn về chúng.  Hãy nắm vững những gì con đã nghe, bởi vì thị kiến “sẽ xảy ra vào thời ấn định” (2:3).  Có thể nó không đến ngay tức khắc và con hãy tiếp tục tỉnh thức để có thể nhận ra nó khi nó xảy đến.

          Bạn có muốn bắt đầu một cuộc chuyện trò cả đời với Chúa không?  Vậy hãy theo gương ngôn sứ Kha-ba-cúc.  Bạn hãy hỏi Chúa những câu hỏi đích thực.  Bạn hãy dành thời giờ suy gẫm và lắng nghe câu trả lời của Người.  Bạn hãy chắc chắn viết xuống những gì bạn nghĩ là Chúa nói với bạn.  Chúa luôn luôn nói với chúng ta.  Chỉ cần chúng ta học làm thế nào lắng nghe Người mà thôi!

 

          “Lạy Chúa, xin giúp con biết nghe tiếng Chúa.  Con muốn biết làm bạn hữu với Chúa!”