Thứ Hai tuần
19 Thường niên
Suy niệm
Ê-dê-ki-en 1:2-5.24-28
Trong xứ Can-đê… tay Đức
Chúa đặt trên ông. (Ê-dê-ki-en 1:3)
Ê-dê-ki-en là tư tế
đến từ Giê-ru-sa-lem, một trong những người thợ khéo léo bị phát lưu do vua
Ba-by-lon vào năm 597 trước công nguyên.
Cuộc lưu đày này được coi như là sự thất sủng của cả dân tộc, một dấu hiệu
cho thấy Chúa không còn ưu ái Ít-ra-en, vì dân chúng không tuân giữ giao ước. Vậy khi lời Chúa đến với Ê-dê-ki-en ở tận
Ba-by-lon, thì dĩ nhiên đó là những tin tức.
Ông đang ở đây, không liên lạc gì với Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ, thế mà
Chúa vẫn gọi ông. Thật tuyệt vời! Chúa đã không bỏ mặc dân Người cho số phận! Người còn muốn dưỡng nuôi họ bằng lời của Người,
ngay nơi đất khách quê người và thù địch của họ.
Vậy Chúa đã nói gì với
những kẻ bị lưu đày qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en? Phải, Người không củng cố niềm hy vọng họ
chóng được hồi hương và sống thái bình.
Trái lại, Ê-dê-ki-en đã nói tiên tri Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy như là
hậu quả việc dân chúng không vâng lời và nổi loạn với Chúa. Một ít năm sau sẽ chứng minh là ngôn sứ nói
đúng. Năm 586 trước công nguyên, đạo
quân Ba-by-lon đã tràn vào thành và Đền Thờ thánh thiện đã bị đốt cháy rụi.
Đến khi ấy, một điều
rất lý thú đã xảy ra. Ê-dê-ki-en đã từng
bị coi là vị ngôn sứ của kết án và tai họa, bắt đầu nói về việc tái thiết và
canh tân. Ngài hứa rằng Chúa muốn làm một
điều gì mới mẻ giữa dân Người. Người muốn
nâng họ lên và ban cho họ một trái tim mới.
Người sẽ cho họ một tinh thần mới giúp họ suy nghĩ và hành động phù hợp
với thánh ý Người. Người sẽ cho họ sống dậy
từ mồ mả cô đơn và điêu tàn, rồi cho họ một đời sống và niềm hy vọng mới
(Ê-dê-ki-en 37).
Qua những lời tiên
tri này, Ê-dê-ki-en đã khiến cho dân chúng chống lại hoặc được an ủi, tùy theo
nhu cầu của họ từng lúc. Ngài cho thấy
Thiên Chúa đã trung thành như thế nào đối với dân Người và những mục đích của
Người. Ngày nay ngài cũng cho chúng ta
thấy dù chúng ta có xa lạc Chúa thế nào thì Chúa cũng không bỏ rơi chúng ta.
Hết thảy chúng ta đều
cảm nghiệm có những vá víu trong mối tương quan giữa chúng ta với Chúa. Chúng ta đều có những thời kỳ dường như không
sao ở gần với Người được. Chính trong những
lúc này, Chúa lại quay về với chúng ta với lòng thương xót và cho chúng ta được
chữa lành. Người không xua đuổi chúng ta
chút nào. Trái lại, Người còn yêu thương
chúng ta hơn. Đấy, Người trung thành với
chúng ta biết chừng nào!
“Lạy Cha, ngày nay biết bao người xa cách Cha, thế mà Cha vẫn không bỏ
rơi họ. Lạy Chúa Giê-su, chúng con ký
thác muôn loài muôn vật trong tay Chúa!”