Thứ Sáu tuần 29 Thường
niên
Suy niệm Ê-phê-xô 4:1-6
Chỉ có một
Chúa, một niềm tin, một phép rửa; chỉ có
một Thiên Chúa, Cha của mọi người.
(Ê-phê-xô 4:5-6)
Có
khi nào bạn cảm thấy mình là một thành phần thuộc về một tổ chức nào đó to lớn
hơn chính bạn không? Có lẽ bạn đã ở giữa
đám người trong sân vận động, hô hoán cổ võ cho đội banh nhà. Có lẽ bạn đã tình nguyện tham gia một công
cuộc bác ái và nhận thấy sự đóng góp của bạn là một phần thuộc sứ mệnh to lớn
hơn.
Chúng
ta có thể không nghĩ về đức tin của chúng ta theo cùng một cách như trong đoạn
Kinh Thánh hôm nay, nhưng là Ki-tô hữu, chúng ta thực sự là thành viên của một
tổ chức rộng lớn hơn chính chúng ta.
Trong Bí tích Rửa tội, chúng ta được nên một trong Chúa Ki-tô. Chúng ta vẫn giữ nguyên cá tính của mình, tuy
nhiên chúng ta lại liên kết với Chúa Ki-tô và với nhau một cách thực thụ. Ở trần gian này chúng ta có thể vẫn nhiều lần
cảm thấy bị cô lập và phân cách, nhưng ở trên trời mọi chia rẽ không còn nữa và
chúng ta sẽ trở nên “một thân thể, một tinh thần trong Chúa Ki-tô” (Kinh Nguyện
Thánh Thể 3).
Nhưng
điều ấy không xảy ra lập tức sau khi chúng ta chết đâu. Chúng ta có không biết bao nhiêu cơ hội ở đây
và trong lúc này để cảm nghiệm và làm cho sự hiệp nhất của chúng ta thêm sâu
đậm hơn. Tiềm năng ấy không đâu mạnh mẽ
bằng trong Bí tích Thánh Thể. Trong Bí
tích vĩ đại này, Chúa Giê-su liên kết chúng ta với Người, và Người liên kết
chúng ta với mọi người khác trong Giáo Hội.
Mỗi tuần khi chúng ta tiến lên rước Mình Máu Chúa, chúng ta có thể suy
nghĩ về mối tương quan cá nhân chúng ta với Chúa Giê-su. Nhưng chúng ta cũng có thể xin Chúa đem chúng
ta lại với nhau gần gũi hơn.
Bạn
có muốn làm cho lời nguyện này trở thành một thực tại trong đời sống hằng ngày
của bạn không? Vậy hôm nay bạn hãy theo
lời khuyên của thánh Phao-lô. Bạn hãy cố
gắng hết sức đối xử với người khác với lòng khiêm nhường, dịu dàng, kiên nhẫn
và độ lượng (Ê-phê-xô 4:2). Những thái
độ này chứa đựng sức mạnh của Thiên Chúa để đổi ngược những tương quan khó khăn,
vì chúng phản ánh tâm hồn của Chúa Ki-tô.
Người yêu thương chúng ta chỉ theo cách đó, tức là cách hòa giải, chữa
lành và kết hiệp.
Lần
tới khi rước lễ, bạn hãy xin Chúa Giê-su cho bạn thấy đâu là những cách bạn có
thể bóp chết đi sự hiệp nhất. Khi chúng
ta kết hiệp tâm hồn với Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể, Người sẽ từ từ cho
chúng ta thấy đâu là những chỗ chúng ta cần phải sửa đổi.
“Lạy Chúa Giê-su, con muốn sống trong sự
hiệp nhất với anh chị em con. Xin Chúa
hãy củng cố con nhờ Bí tích Thánh Thể, để con có thể yêu thương các chi thể
thuộc Nhiệm Thể Chúa như Chúa hằng yêu thương”.