Thứ Sáu tuần 30 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 14:1-6

 

Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không?  (Lu-ca 14:3)

 

          Một lần nữa Chúa Giê-su lại gặp rắc rối vì chữa bệnh ngày sa-bát.  Những người Pha-ri-sêu chống đối Người, giải thích giới răn của Thiên Chúa một cách hết sức thiển cận, nên họ nghi ngờ Người và tìm mọi cơ hội để bắt bẻ Người.  Về phần Chúa Giê-su, Người tra xét họ như một cơ hội để dạy họ về cốt lõi của luật Thiên Chúa bao gồm lòng thương xót và chữa lành.

          Khi Chúa Giê-su chữa lành người mắc bệnh phù thũng, một căn bệnh đau đớn tích lũy nước lại trong thân thể, thì một lần nữa Người lại đối đầu với những người Pha-ri-sêu hiểu biết hẹp hòi về đường lối Thiên Chúa.  Những áp dụng cứng ngắc của họ về ngày sa-bát đã không dành chỗ cho tình yêu và lòng thương xót là nền móng của mọi giới răn Thiên Chúa.  Chúa Giê-su nói thẳng về sự cứng ngắc này.  Nếu một người có xúc cảm còn biết cứu một con vật nuôi trong trại khỏi bị nguy hiểm thì làm sao Thiên Chúa lại không muốn cứu một trong số con cái Người đang gặp khốn khó?  Cũng như mọi ngày trong tuần, ngày sa-bát càng phải là ngày thích hợp nhất để con cái Chúa lãnh nhận ơn chữa lành của Người.  Nói cho cùng, chẳng lẽ Người không muốn chúng ta được vào nghỉ ngơi với Người hay sao?

          Nghỉ ngơi ngày sa-bát mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hành phát xuất từ cảm nghiệm tình yêu của Người, một cảm nghiệm đem an bình vào trong tâm hồn chúng ta, bất kể trong hoàn cảnh nào.  Chúa Giê-su đã đến để khai mạc lối nghỉ ngơi này bằng cuộc đau khổ, cái chết và phục sinh của Người.  Là phần tử của Giáo Hội Người, chúng ta giờ đây có thể cảm nghiệm được sự nghỉ ngơi ấy ở mức độ mỗi ngày một lớn lao hơn.  Chúng ta được biết Thiên Chúa là người Cha đầy yêu thương và quyền năng, là Đấng kêu gọi chúng ta sống đời đời với Người.  Chúng ta có thể học tín thác vào sự quan phòng của Người và trao phó cuộc sống chúng ta cho Người chăm sóc.

          Chúng ta cảm nghiệm sự nghỉ ngơi của Chúa như thế nào?  Yếu tố căn bản nhất, đó là cầu nguyện, để đưa chúng ta đến tiếp xúc với Chúa trên bình diện thật thân thiết.  Khi chúng ta mở lòng cho Chúa qua cầu nguyện, Kinh Thánh và đời sống bí tích của Giáo Hội, là chúng ta để cho tình yêu của Người thấm nhập tâm hồn chúng ta đầy đủ hơn nữa.  Rồi khi được nghỉ ngơi trong tình yêu ấy, chúng ta sẽ tin tưởng hơn rằng Người luôn ở với chúng ta, luôn đổ sức mạnh chữa lành xuống cuộc sống chúng ta.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, con mở lòng đón nhận Chúa.  Xin cho con được chia sẻ sự nghỉ ngơi của Chúa và cảm nhận lòng thương xót cũng như chữa lành của Chúa.  Xin Chúa giúp con nhận ra tình yêu ấy nằm ngay trung tâm mọi lề luật của Chúa”.