TUẦN II MÙA CHAY
(25 tháng 2 – 3 tháng 3 năm 2018)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Đem ánh sáng đến
cho chúng ta
Khi cầu xin Chúa ban ánh sáng, chúng ta xin được biết
như Chúa biết: biết tốt hay xấu, biết
thăng hay trầm, biết tất cả những điều ấy.
Cầu nguyện tốt chính là xin Chúa Cha cho tôi biết bản
thân mình theo cách Chúa Thánh Thần biết tôi, vì “Thần
Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1 Cô-rin-tô 2:10).
Chúa
làm mọi sự để đem ánh sáng đến cho chúng ta.
Đáp lại, mỗi người chúng ta phải sẵng sàng đón nhận sự soi sáng của
Chúa. Điều quan trọng giúp chúng ta sẵn
sàng đón nhận ánh sáng của Chúa là cầu xin để đừng sợ những điều chúng ta nhìn
thấy.
Chúng
ta có thể xin Chúa chiếu ánh sáng trên những công việc thường ngày và những
thói quen của chúng ta. Thói quen tốt đó
có mạnh hơn không? Thói quen kia có tác
hại nhiều hơn là tôi thừa nhận không?
Chúng ta cần đến những cách thức quen thuộc để làm việc này việc nọ. Nếu
không quen, chúng ta sẽ mất cả ngày để chỉ chuẩn bị được bữa ăn sáng. Đồng thời, hầu như bất cứ thói quen nào cũng
có thể vừa giúp chúng ta được tự do vừa ngăn cản tự do của chúng ta. Nên chúng ta phải canh chừng.
Rồi
thói quen có thể biến thành những vướng mắc tai hại. Chúng ta có thể bám chặt lấy những điều hoặc
ý tưởng nào đó đến nỗi không còn thực sự được tự do nữa. Cho nên chúng ta cầu xin Chúa ban ánh sáng
giúp chúng ta thấy được lúc nào một vướng mắc đang đưa chúng ta tới việc phạm tội. Chúa thấy rõ điều ấy lắm; cho nên chúng ta xin được chia sẻ cái nhìn ấy
của Người.
Sau
cùng, khi chúng ta xin Chúa ban ánh sáng, chúng ta cần phải sẵn sàng để đón nhận
điều Chúa ban cho chúng ta.
-
Joseph Tetlow, SJ, nói về dotMagis,
trong trang mạng IgnatianSpirituality.com
Sự hiện diện của
Chúa
Tôi nhắc nhở mình rằng khi tôi ngồi đây,
thì Chúa đang chăm chú nhìn tôi với lòng yêu thương và
cho tôi được hiện hữu.
Tôi ngừng lại một chút để suy nghĩ về điều này.
Sự tự do
“Có rất ít người ý thức được những gì Thiên Chúa sẽ
làm cho họ nếu như họ biết phó thác mình trong tay Chúa, và để cho ơn thánh
Chúa đào tạo họ” (thánh Inhaxiô). Tôi
xin ơn biết phó thác hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa.
Ý thức
Ở đâu tôi cảm nhận được niềm hy vọng, khích lệ và phát
triển trong cuộc đời tôi? Bằng cách nhìn
lại quá khứ trong vài tháng qua, tôi có thể nhận ra những sinh hoạt và những cơ
hội nào đã đem lại kết quả phong phú. Nếu
thực sự lưu ý tới những lãnh vực này, tôi sẽ quyết tâm dành cho những lãnh vực ấy
thời giờ và không gian trong tương lai.
Lời Chúa
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm người phàm để giao tiếp với
con.
Chúa đã bước đi và làm việc trên trái đất này.
Chúa chịu đựng nóng bức và vật lộn với giá lạnh.
Tất cả thời giờ của Chúa trên mặt đất này là dành để
chăm sóc nhân loại.
Chúa chữa lành kẻ đau yếu, Chúa cho người chết sống lại.
(Xin bạn mở phần Kinh Thánh ở những trang tiếp
theo. Những điểm gợi ý có sẵn nếu bạn cần
sử dụng. Khi đã xong, bạn hãy trở lại
đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Điều gì đã khuấy động lên trong tôi khi tôi cầu nguyện? Tôi được an ủi, bối rối, nguội lạnh? Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su đang đứng hoặc ngồi
bên cạnh tôi, và tôi chia sẻ với Chúa những cảm nghĩ của tôi.
Kết thúc
Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa
Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và
bây giờ, và hằng có và đời đời chẳng cùng.
A-men.
_______________
Tuần II mùa Chay
Chúa Nhật, ngày
25 tháng 2
Mác-cô 9:2-10
Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô,
Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ
mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt
các ông.3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào
ở trần gian giặt trắng được như vậy.4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a
cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phê-rô
thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng
con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông
Ê-li-a."6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh
hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng
phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."8
Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông
mà thôi.9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được
kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống
lại.10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ
cõi chết sống lại" nghĩa là gì.
* Trong hành
trình đến với Chúa, chúng ta có những lúc cao điểm khi mặt đất trở nên thánh
thiện. Giống như thánh Phê-rô, chúng ta
muốn những lúc ấy cứ kéo dài mãi mãi.
Nhưng Chúa Giê-su đem chúng ta xuống núi và chuẩn bị chúng ta cho những
lúc khó khăn sắp tới; trong thời gian
này chúng ta sống bằng kỷ niệm về những buổi hiển dung ngắn ngủi. Vậy tôi có nhớ được lần cao điểm nào không?
* Trong cảm
nghiệm này đã có vinh quang, nhưng cũng có sợ hãi. Tôi cần sự hiện diện và mặc khải của Chúa,
nhưng tôi có sẵn sàng đứng tại những nơi xa lạ với tôi không?
_______________
Thứ Hai, ngày 26
tháng 2
Lu-ca 6:36-38
"Anh
em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng
xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ
không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38
Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ
lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng
đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
* Lạy Chúa, vạt
áo con và tay con đang mở ra để đón nhận những điều Chúa ban; nhưng Chúa bảo như thế vẫn không thể chứa hết
được bao nhiêu là ơn lành từ bàn tay Chúa, bởi vì bàn tay con còn phải mở ra để
cho đi cũng như đã nhận lấy. Chúa hồi
đáp cho chúng con một cách quá sức hào phóng khi chúng con quảng đại chia sẻ những
gì chúng con có. Con nhớ đến ông già
Dean trong câu chuyện Babette’s Feast
đã nói: “Sau cuộc sống ở trần gian này,
chúng ta chỉ có thể mang theo được những gì chúng ta đã cho đi mà thôi”.
* “Anh em đừng
xét đoán”. Có thể cả đời cũng không học
được thói quen này phải không? Lạy Chúa
Thánh Thần, xin Chúa báo động cho con mỗi khi lòng trí con quay lại lối phản ứng
gây tai hại cho người khác.
_______________
Thứ Ba, ngày 27
tháng 2
Mát-thêu 23:1-12
Bấy
giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2
"Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3
Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm,
thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng
mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5
Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn,
mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm
hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi
công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
8
"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ
có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng
đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha
trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì
anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong anh em, người
làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ
bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
* Lạy Chúa,
Chúa nêu ra những cách biểu lộ sự khoe khoang và cho mình là quan trọng. Chúa nói:
“Anh em đều là học trò”. Kinh
Thánh có kết quả một cách mầu nhiệm, hằng ngày con càng biết thêm được những đường
lối của Chúa. Lạy Chúa, Chúa là Thầy của
con.
* Căn tính người
Ki-tô hữu là tôi tớ, môn đệ, kẻ khiêm nhường bước theo. Sự vĩ đại được nhìn nhận trong tình yêu,
trong tự nguyện phục vụ người khác như Chúa Giê-su đã phục vụ. Nhiều nền văn hóa và nhiều nhóm người kính trọng
sự thành công, giàu có và tự nâng mình lên.
Trong lúc cầu nguyện bạn hãy nhớ lại lúc bạn cảm thấy bị hạ nhục khi bạn
đã phục vụ một người hoặc đã làm điều gì thích hợp cho họ. Hãy dâng kỷ niệm này cho Chúa trong niềm cảm
tạ.
_______________
Thứ Tư, ngày 28
tháng 2
Mát-thêu 20:17-28
Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su
đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông:18
"Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế
và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người,19 sẽ nộp Người cho dân ngoại
nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi
dậy."20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức
Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.21
Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai
con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước
Thầy."22 Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người
xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp:
"Thưa uống nổi."23 Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy,
các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có
quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." 24
Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.25 Nhưng Đức
Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy
mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26
Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm
người phục vụ anh em.27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy
tớ anh em.28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục
vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."
* Có lẽ khi nghe nói
về cái chết nhục nhã của Chúa Giê-su, hai môn đệ này và mẹ của họ nghĩ rằng Ai sẽ kế vị Chúa Giê-su đây? Việc gì sắp xảy ra vậy? Sau quá nhiều thời gian với Chúa Giê-su, các
môn đệ Người vẫn còn nghĩ về một thứ vương quốc và quyền lực trần thế. Tôi có thường rơi vào lối suy nghĩ này không?
* Chúa Giê-su không
trình bày một hình ảnh tích cực về “Dân ngoại”;
Người nhắc đến một đường lối cai trị đã không bao giờ được áp dụng cho
dân Chúa, khi chúng ta ngược dòng lịch sử trở lại thời các ngôn sứ và các vị
vua Ít-ra-en. Thế nào là một “người tôi
tớ” trong thời đại và văn hóa tôi đang sống?
Và làm sao tôi có thể cư xử giống như một người tôi tớ?
_______________
Thứ Năm, ngày 1 tháng 3
Lu-ca 16:19-31
"Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn
lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.20 Lại có một người
nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21
thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy
con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.22 Thế rồi người nghèo này chết,
và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người
ta đem chôn. 23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực
hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh
La-da-rô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ
phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào
nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!25
Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần
phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ,
La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.26 Hơn
nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn
qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không
được. 27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ
phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,28 vì
con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng
sa vào chốn cực hình này!29 Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có
Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông nhà
giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có
người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31 Ông
Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người
chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."
*
Đây là một dụ ngôn với những phản diện rõ ràng, nhưng thông điệp chính
của nó lại thật giản dị: hãy tỉnh thức
trước những nhu cầu trước mắt. Dụ ngôn
không đề cập tới những lối sống về phía ông La-da-rô, cũng chẳng nói về việc
làm điều xấu xa về phần ông nhà giàu. Nhưng
là nói về việc ông nhà giàu đã nhắm mắt làm ngơ trước người nghèo khổ ở cổng nhà ông.
*
Không để mắt tới nhưng người thiếu thốn chung quanh, cuộc sống chúng ta
trở nên ích kỷ và vô cảm. Chúa Giê-su
xin những kẻ nghe Người giảng hãy mở mắt ra trước những gì ở ngay trước mặt họ và mở
tai để lắng nghe mệnh lệnh đơn giản của Tin Mừng là: hãy yêu thương tha nhân.
_______________
Thứ Sáu, ngày 2
tháng 3
Mát-thêu 21:
33-43, 45-46
Các
ông hãy nghe một dụ ngôn khác: "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho;
chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một
tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.34 Gần đến mùa
hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi.35 Bọn tá
điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ.36
Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ
y như vậy.37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì
nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta."38 Nhưng bọn tá điền vừa
thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó
đi, và đoạt lấy gia tài nó! "39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng
ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.40 Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn
nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia? "41 Họ đáp: "Ác giả
ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để
cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông."42 Đức Giê-su bảo họ:
"Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây
nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
43 Bởi đó, tôi nói cho các ông
hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một
dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.45 Nghe những dụ ngôn Người kể,
các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ.46 Họ tìm
cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.
* Lạy Chúa, dụ
ngôn này nói về những người Do-thái chối nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a. Nhưng dụ ngôn cũng nói về con nữa. Con là tên tá điền của vườn nho Chúa. Chính vì con mà Chúa đã trồng và đã bảo vệ
mùa nho, rồi Chúa mong chờ từ nơi con một mùa hái nho. Thành quả là cho Chúa chứ không phải cho
con. Có thể con cảm thấy khó chịu khi
Chúa hỏi đến, nhưng Chúa làm đúng khi trông đợi điều gì đó nơi con.
* Hôm nay khi
nhìn lại cuộc sống, tôi nhận ra Chúa đã ký thác điều gì nơi tôi? Chúa sẽ mong đợi gì nơi tôi? Và đâu là câu trả lời của tôi?
_______________
Thứ Bảy, ngày 3
tháng 3
Lu-ca 15:1-3,
11-32
Các
người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp
phường tội lỗi và ăn uống với chúng."3 Đức Giê-su mới kể cho họ
dụ ngôn này:
11
"Một người kia có hai con trai.12 Người con thứ nói với cha rằng:
"Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của
cải cho hai con.13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy
đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.14
"Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói
khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,15 nên phải đi ở
đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.16
Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.17
Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha
ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!18 Thôi, ta đứng
lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời
và với cha,19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một
người làm công cho cha vậy.20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng
cha.21 Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội
với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. 22 Nhưng người
cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ
nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,23 rồi đi bắt con bê đã vỗ
béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!24 Vì con ta đây đã chết mà
nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.25
"Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà,
nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi
xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu
đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.28 Người anh cả
liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.29 Cậu
trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi
nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng
với bạn bè.30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải
của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!31
"Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha,
tất cả những gì của cha đều là của con.32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng,
phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."
* Dụ ngôn người
con hoang đàng cho tôi một cái nhìn về tình yêu vững bền của Thiên Chúa. Vâng, lạy Chúa, Chúa cho thấy Cha trên trời sẽ
biểu hiện dưới hình thức con người. Khi
người cha trong dụ ngôn đón nhận đứa con đã mất trở về, ông đã khóc vì vui mừng,
giết con bê béo, truyền đem áo đẹp nhất ra cho cậu và mở tiệc ăn mừng, thì mục
đích không phải là để làm cho người khác vui lòng, nhưng là để biểu lộ niềm vui
tràn trề của ông vì con ông đã trở về.
* Tôi có tin
được là Chúa vui mừng vì tôi giống như người cha vui mừng vì đứa con trai đã mất
của ông trong dụ ngôn này không?