TUẦN
III MÙA CHAY (4 tháng 3 – 10 tháng 3 năm 2018)
Điều
suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Gia nghiệp của chúng ta
[Trong
dụ ngôn người cha giàu lòng tha thứ, đứa con hoang đàng đã trở về nhà] và đã được
đón tiếp, tha thứ và phục hồi trọn vẹn quyền làm con… Đứa con đã mất nay tìm thấy. Bây giờ thì hắn biết thế nào là làm con của
cha hắn. Hắn đã về nhà! Người cha quá vui mừng: “Con ta đã sống lại; phải bắt đầu ăn mừng!”
Tiếng nhạc và khiêu vũ mới bắt đầu không
lâu thì đứa con kia, tức người con lớn, đã xông vào nhà và gây sự với cha. Dù người cha có thất vọng vì hận thù và ác ý
của người con cả, nhưng ông đã khôn ngoan không đứng về phe nào cả. Có thể ông đã cảm thấy như người con cả đã phải
đau khổ vì ông không quan tâm đến nó.
Thái độ của người anh cả đã ngăn cách anh ta với em mình đến độ anh ta
không coi nó là “em con”, nhưng là “thằng con của cha”. Thái độ nhận mình là công chính của anh ta đã
ngăn cản không cho anh bước vào mối tương quan yêu thương, không những với đứa
em mà cả với cha mình nữa. Người con cả
cũng là đứa con đã mất; anh đã mất trong
miền đất lạ chính anh tạo ra.
Người cha đã trả lời người con cả như
ông đã trả lời với đứa con thứ. Ông cảm
thương. Ông không chế giễu con ông,
nhưng nhẹ nhàng trách nó. “Con luôn ở với
cha, tất cả những gì của cha là của con”.
Tất cả những điều người cha có thể làm, đó là mời người con hãy đương đầu
với thái độ tiêu cực của nó, chấp nhận tư thế của nó và bước vào niềm vui vì em
nó đã trở về.
Là con cái cùng một Cha, chúng ta được
mời gọi hãy dành cho mình thực tại được hưởng phần gia nghiệp theo phận làm con
cái của một Thiên Chúa đầy thương yêu và lòng thương xót. Bữa tiệc đã sẵn sàng. Bạn có vào hưởng niềm vui của Cha bạn không?
- Jacqueline
Syrup Bergan và Sơ Marie Schwan, CSJ,
Forgiveness: A Guide for Prayer
Sự hiện diện của Chúa
Tôi dừng
lại một chút
và
suy nghĩ về sự hiện diện ban sự sống của Chúa
trong
từng phần thân thể tôi,
trong
mọi sự chung quanh tôi,
trong
toàn diện cuộc đời tôi.
Sự tự do
Nhiều
quốc gia lúc này đang đau khổ vì chiến tranh.
Tôi cúi đầu tạ ơn Chúa vì được hưởng tự do. Tôi cầu nguyện cho mọi tù nhân và những người
bị bắt giữ.
Ý thức
Biết
rằng Chúa yêu thương tôi vô điều kiện, tôi thành thực nhìn lại ngày sống hôm
qua, với những biến cố và những cảm nghĩ của tôi. Tôi có điều gì để cảm tạ Chúa không? Rồi tôi cám ơn Chúa. Có điều gì tôi phải hối lỗi không? Rồi tôi xin ơn tha thứ.
Lời Chúa
Bây
giờ tôi mở Kinh Thánh dành cho tôi hôm nay.
Tôi đọc chậm từng lời và xem có câu nào hoặc tâm tình nào mời gọi tôi
không. (Xin bạn mở phần Kinh Thánh in ở
những trang sau. Cũng có những điểm gợi
ý tại đó nếu bạn cần sử dụng. Khi đã sẵn
sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Lạy
Chúa, con biết chắc chắn có những lần Chúa đã ẵm con lên. Có những lần chính nhờ sức mạnh của Chúa mà
con đã vượt qua được những lúc đen tối trong đời con.
Kết thúc
Sáng
danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng sáng danh Thánh Thần Thiên Chúa,
Tự
muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.
_______________
Tuần III mùa Chay
Chúa Nhật, ngày 4 tháng 3
Gio-an 2:13-25
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành
Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò,
bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.15 Người liền lấy dây làm
roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của
những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.16
Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,
đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."17 Các môn đệ của
Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà
tôi đây sẽ phải thiệt thân.18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su:
"Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như
thế? "19 Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này
đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."20 Người Do-thái nói:
"Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba
ngày ông xây lại được sao? "21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn
nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi
dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức
Giê-su đã nói.23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ
Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người
làm.24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết
thảy,25 và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính
Người biết có gì trong lòng con người.
*
Tôi hình dung mình đang viếng thăm Đền Thờ thì Chúa Giê-su bước
vào. Tôi đã quen thuộc với cảnh những
người đổi tiền và những kẻ buôn bán muốn giúp tiện lợi cho những người đến thờ
phượng bằng cách bán cho họ nào là bò, chiên và chim câu để dùng làm hy lễ. Cơn giận dữ của Chúa Giê-su bùng nổ và làm
tôi khó chịu, tất cả khiến tôi phải suy nghĩ.
Có chắc chắn những người này đang kiếm những đồng tiền lương thiện không?
*
Nhưng đây là nhà Thiên Chúa. Khi
tiền len lỏi vào thì nó có khuynh hướng làm chủ. Có bí tích nào trong các bí tích của Ki-tô
giáo mà không nhuốm màu sắc thương mại không?
Ăn mừng rửa tội, tiền mừng con em rước lễ lần đầu, khiêu vũ dịp chịu
phép Thêm sức, rồi tiệc tùng đám cưới, đáng lẽ tất cả đều phải là việc Chúa đến
với chúng ta vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đời, nhưng liệu Chúa có
nghe được tiếng đồng xu giữa những đồng tiền lớn kêu lẻng kẻng không?
_______________
Thứ
Hai, ngày 5 tháng 3
Lu-ca 4:24-30
Người nói tiếp:
"Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương
mình.25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông
Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội,
thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến
giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền
Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi
ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man,
người xứ Xy-ri thôi."28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy
phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây
trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30
Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
* Ở đây nói về niềm mong đợi phép lạ và chữa
lành. Ông Na-a-man nghĩ mình quan trọng
nên đã cảm thấy bị coi thường: ông chỉ gặp
một sứ giả chứ không gặp được chính vị ngôn sứ;
rồi việc chữa lành tùy thuộc vào việc ông Na-a-man đi tắm dưới sông thay
vì ông nhận được sự chữa trị từ tay ngôn sứ Ê-li-sa.
* Lạy Chúa, con cũng giống như vậy. Thậm chí trong cơn túng quẫn cái tôi của con
vẫn nổi cộm. Con không chỉ muốn là một nạn
nhân, mà còn muốn là một nạn nhân danh tiếng.
Con không chỉ muốn được chữa lành, mà còn muốn là cái rốn vũ trụ nữa. Xin Chúa giúp con biết chú tâm đến Chúa chứ
không phải đến con.
_______________
Thứ Ba, ngày 6 tháng 3
Mát-thêu 18:21-35
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng:
"Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy
lần? Có phải bảy lần không? "22 Đức Giê-su đáp: "Thầy
không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."23 Vì
thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của
mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn
đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả,
nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26
Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng
hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết."27 Tôn chủ của tên đầy tớ
ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa
ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan
tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao! "29
Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng
hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh."30 Nhưng y không chịu, cứ
tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra
như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu
chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ
độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33
thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã
thương xót ngươi sao? "34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y
cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.35 Ấy vậy, Cha
của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh
em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."
* Không có giới hạn nào về số lần chúng ta
được kêu gọi hãy tha thứ. Đây là một
trong những khía cạnh đòi hỏi nhất trong giáo huấn của Chúa Ki-tô. Dầu vậy tha thứ vẫn là một ân sủng dành cho
người tha thứ cũng như cho người được tha thứ.
* Đối với tôi khi nào là lúc khó nhất để tỏ
lòng thương xót? Tôi có cảm thấy một
người phải xứng đáng cách nào đó để nhận được lòng thương xót của tôi không?
_______________
Thứ Tư, ngày 6 tháng 3
Mát-thêu 5:17-19
"Anh em đừng tưởng
Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để
bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi
trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho
đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong
những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ
nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi
là lớn trong Nước Trời.”
* Lề Luật và sách các ngôn sứ giữ vai trò nào
trong giao ước mới được Chúa Giê-su thiết lập?
Vấn đề này thật quan trọng đối với những người tân tòng gốc Do-thái
trong Giáo Hội sơ khai, như thánh Mát-thêu đã ý thức. Điều này vẫn còn thích hợp với chúng ta ngày
nay. Chúa Giê-su nói về việc chu toàn chứ
không nói đến việc hủy bỏ Lề Luật và các ngôn sứ. Điều ấy chính xác nghĩa là gì?
* Thiên Chúa của cả lề luật lẫn ân sủng, đôi
khi tôi lại muốn nghĩ rằng những luật lệ thiêng liêng thực sự không áp dụng cho
tôi. Quả thực chúng ta được cứu độ là nhờ
đức tin, chứ không phải nhờ việc lành chúng ta làm. Tuy nhiên lề luật và những điều chỉ dạy trong
cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều có mục đích, và chúng đều quan trọng đối với Chúa
Giê-su. Xin Chúa giúp con hiểu những lề
luật và chỉ dạy ấy trong đời sống con.
_______________
Thứ Năm, ngày 8 tháng 3
Lu-ca 11:14-23
Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ
xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.15
Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương
Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ."16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã
đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ,
nên nói: "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.18
Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?
... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu
tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi
vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên
Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.21
Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải
người ấy được an toàn.22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và
thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem
phân phát những gì đã lấy được.23 "Ai không đi với tôi là chống
lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”
* Vấn đề cốt lõi ở đây là nguồn gốc quyền năng
của Chúa Giê-su khi Chúa trừ quỷ khỏi người ta.
Có phải Người dựa vào quyền thế của quỷ vương Bê-en-dê-bun, hay là Người
kêu cầu quyền năng Thiên Chúa? Nếu như bạn
có mặt ở đó lúc ấy, bạn sẽ nghĩ gì?
* Hãy lưu ý là Chúa Giê-su cho thấy những lần
Người trừ quỷ nhờ quyền năng Thiên Chúa đều là những dấu chỉ cho thấy Triều Đại
Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta. Điều
này là thật đối với hết mọi phép lạ Người làm.
Tôi có mở lòng đón nhận phép lạ trong cuộc đời tôi lúc này và tại đây
không? Tôi có mong muốn quyền năng của
Chúa được hiển nhiên không?
_______________
Thứ Sáu, ngày 9 tháng 3
Mác-cô 12:28-34
Có một người trong các
kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với
nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy,
trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? "29 Đức Giê-su trả lời:
"Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng
ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa
của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31
Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều
răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."32 Ông kinh sư nói với Đức
Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất,
ngoài Người ra không có Đấng nào khác.33 Yêu mến Thiên Chúa hết
lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều
quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."34 Đức Giê-su thấy ông ta
trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa
đâu! " Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
*
Yêu mến Thiên Chúa với tất cả con người chúng ta và yêu thương anh chị
em như chính mình, hai điều cam kết này, nếu liên kết lại với nhau, sẽ mang tầm
quan trọng ưu tiên hơn mọi việc dâng hy lễ khác. Tình yêu dành ưu tiên hơn mọi nhân đức khác.
*
Bạn có thấy thoải mái đối với việc lấy tình yêu làm một điều răn không? Lời nói có thể như lạnh lẽo và vị luật, trong
khi lời tình yêu lại gợi lên sự ấm áp
và tự do. Bạn có thể đề nghị dùng từ nào
khác thay thế cho từ “điều răn” không?
Hoặc bạn cứ muốn dùng từ ấy?
_______________
Thứ
Bảy, ngày 10 tháng 3
Luca 18:9-14
Đức Giê-su còn kể dụ
ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người
khác:10 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc
nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu
đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con
không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế
kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười
thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng
dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa,
xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người
này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì
không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn
lên."
* Đây là một dụ ngôn có cấu trúc thật đẹp mà ý
nghĩa của nó lại thật bất ngờ. Tuy nhiên
chúng ta luôn phải học hỏi thêm từ việc cầu nguyện bằng dụ ngôn này và xin Chúa
Giê-su tỏ ra cho chúng ta thấy những ý nghĩa sâu xa của nó. Có thể có chi tiết nào đó chúng ta đã không
nhận thấy trước đây, hoặc có thể chúng ta thấy nó được áp dụng cho chúng ta một
cách mới mẻ.
* Có thể hữu ích nếu chúng ta sử dụng trí tưởng
tượng để “làm” người này hay người kia trong hai người đó. Bạn hãy lưu ý xem chúng ta cảm thấy thoải mái
hay không thoải mái trong vai trò của họ.
Hãy thử đọc lên lời cầu nguyện của từng người một. Lời cầu nguyện ấy là gì đối với bạn? Kinh nghiệm cho thấy chẳng có ai hoàn toàn là
“người Pha-ri-sêu” (giả hình) hoặc hoàn toàn là “tên thu thuế” (thành thực nhận
biết mình).