TUẦN
IV MÙA VỌNG (Ngày 23 – 29 tháng 12 năm 2018)
Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày
trong tuần:
Cũng như các bậc cha mẹ khác, Mẹ Ma-ri-a
và thánh Giuse thành Na-da-rét nhận thấy con mình bắt đầu suy nghĩ chín chắn về
những gì cuộc đời cậu phải làm. Có những
áp lực văn hóa, dĩ nhiên một trong những áp lực ấy là vấn đề cậu có nên lập gia
đình hay không. Gio-an, người anh họ của
cậu, đang hướng tới cuộc sống được chỉ dẫn do các ngôn sứ ngày xưa. Chúa Giê-su đã thận trọng suy nghĩ về lối sống
của người anh em họ khi Chúa ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa. Nhưng Người cũng bị lôi cuốn và ràng buộc với
lời Thiên Chúa mặc khải – như Người thường trích dẫn rất nhiều lời từ các sách Ngũ
Thư, các ngôn sứ và Thánh Vịnh – nên Người quý trọng ơn gọi của Người là phục vụ
Chúa Cha bằng cách loan báo Tin Mừng cho dân chúng…
Nhờ
mầu nhiệm của Đấng Cứu Độ phổ quát, sự phân định trưởng thành lôi cuốn chúng ta
đến gặp gỡ Chúa Giê-su thành Na-da-rét, con của bác thợ mộc. Vậy cuộc sống con người của Chúa cho chúng ta
thấy điều gì? Để bắt đầu, Chúa Giê-su rất
từ từ phân định mức độ trọn vẹn ơn gọi của Người đang khi cuộc sống Người vẫn
diễn tiến. Trong quãng đời thi hành sứ vụ,
Chúa đã quy tụ bảy mươi hai môn đệ sẽ tự nguyện đi đến với người khác để nói
cho người ta biết về Tin Mừng. Trong số
bảy mươi hai người ấy, Chúa đã tuyển chọn mười hai người để Chúa cùng làm việc
giúp họ “nỗ lực tìm gặp và chia sẻ một ‘lối sống thần bí’, vừa hòa đồng vừa gặp
gỡ, đón nhận và nâng đỡ nhau”.
- Joseph
Tetlow, S.J., Always Discerning
Sự hiện diện của Chúa
Chúa phán: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ”. Quả là một đặc ân tuyệt vời khi Chúa muôn
loài ao ước đến với tôi. Tôi đón tiếp sự
hiện diện của Người.
Sự tự do
Xin để
tôi ở đây,
một mình trong phòng tối,
không ánh sáng mặt trời,
cũng chẳng có một người,
sẽ nói chuyện với tôi.
Nhưng chính thinh lặng ấy,
đã giải thoát tôi rồi!
-
Trích từ một bài thơ của Chân phước Titus Brandsma,
được
sáng tác đang khi ngài là một tù nhân trong trại tập trung Dachau
Ý thức
Tôi thực sự cảm thấy thế nào? Lòng nhẹ nhàng hay nặng trĩu? Có thể tôi rất bình an, hạnh phúc được ở
đây. Cũng như vậy, có thể tôi thấy thất
vọng, lo lắng hoặc giận dữ.
Tôi nhận thấy mình thực sự ra sao lúc
này. Đó là con người thực của tôi mà
Thiên Chúa vẫn yêu thương.
Lời Chúa
Tôi dành thì giờ để đọc lời Chúa, chậm
chậm, vài ba lần, để tôi dừng lại hoặc bị đánh động bởi điều nào đó. (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp
theo. Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử
dụng nếu cần. Khi đã sẵn sàng, bạn hãy
trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).
Tâm sự với Chúa
Tôi có nhận ra phản ứng của mình khi cầu
nguyện bằng lời Chúa không? Tôi cảm thấy
bị thách đố, được an ủi, giận dữ? Tưởng
tượng Chúa Giê-su đang ngồi hoặc đứng bên cạnh, tôi nói ra những cảm nghĩ của mình,
giống như hai người bạn tâm phúc tin tưởng nhau.
Kết thúc
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng
vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi
đến thiên thu vạn đại. A-men.
Tuần IV mùa Vọng
Chúa Nhật, ngày 23 tháng 12
Lu-ca 1:39-45
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên
đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào
nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa
nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy
tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được
chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc
phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44
Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên
vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những
gì Người đã nói với em."
*
Hai người phụ nữ gặp nhau, mỗi người đều nhận được từ nơi Thiên Chúa
phúc lành và lời triệu gọi đặc biệt. Có
lẽ đây là điều lôi kéo hai người lại với nhau, điều đã làm cho Mẹ Ma-ri-a cảm
thấy phải cấp bách đi viếng thăm người chị họ của Mẹ. Đây là một thí dụ điển hình của việc Thiên
Chúa tỏ cho chúng ta biết thánh ý của Người được thực hiện không phải chỉ do một
người, nhưng trong bối cảnh cộng đồng.
*
Mới đây tôi có công khai nhìn nhận về một hồng ân hoặc vai trò nào của
người khác nhằm lợi ích chung không? Tôi
đã gọi ai là người “có phúc”?
_______________
Thứ Hai, ngày 24 tháng 12
Lu-ca 1:67-79
Bấy
giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói
tiên tri rằng:
68 "Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.
69 Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,
70 như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa:
71 sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;
72 sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;
73 Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
74 và cho ta chẳng còn sợ hãi,
75 để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
76 Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
77 bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
78 Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
79soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".
*
Ông Da-ca-ri-a được thoát khỏi sự câm lặng đã bật lên lời chúc tụng sâu
xa, công bố hành động của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại chúng ta. Đấng Cứu Độ đang tới! Con ruột của ông sẽ hành động như người làm
chứng và làm sáng tỏ lòng từ bi lân ái của Đấng Tối Cao và Chí Thánh.
* Lạy Chúa, càng gần ngày Vọng Giáng
Sinh, xin Chúa nhắc nhở con biết rằng lòng thương xót là chủ đề chính khi Chúa
cùng bước đi với con. Chúa luôn một lòng
từ ái đối với con. Xin giúp con mỗi ngày
biết ý thức hơn về lòng thương xót và lân ái của Chúa hằng hoạt động trong đời
con.
_______________
Thứ Ba, ngày 25 tháng 12
Lễ Giáng Sinh
Gio-an 1:1-18
Lúc
khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về
Thiên Chúa, và
Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2
Lúc khởi đầu,
Người vẫn hướng về Thiên Chúa.3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo
thành, và
không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành4
ở nơi Người là sự sống, và
sự sống là ánh sáng cho nhân loại.5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được
ánh sáng.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.7 Ông
đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9 Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10 Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.
11
Người đã đến nhà mình, nhưng
người nhà chẳng chịu đón nhận.12 Còn những ai đón nhận, tức là những
ai tin vào danh Người, thì
Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.13 Họ được sinh ra, không
phải do khí huyết, cũng
chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.
14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho
Người, là
Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: "Đây là Đấng mà tôi đã
nói: Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi."
16 Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ
Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng
Chúa Cha, chính
Người đã tỏ cho chúng ta biết.
*
Người ta đã nói rằng không ai nhìn thấy mặt Thiên Chúa mà còn sống nổi. Thế mà giờ đây chúng ta lại có thể nhìn thấy
vinh quang của Người, vì theo như Kinh Thánh quả quyết với chúng ta, Chúa
Giê-su chính là hình ảnh toàn vẹn của Thiên Chúa vô hình.
*
Khi suy niệm các đoạn Tin Mừng, ước gì tôi vẫn luôn ý thức rằng: nhìn vào khuôn mặt của Chúa Ki-tô là tôi đang
nhìn vào khuôn mặt của Thiên Chúa.
_______________
Thứ Tư, ngày 26 tháng 12
Mát-thêu 10:17-22
"Hãy coi chừng người đời.
Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của
họ.18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy
để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.19 Khi người ta nộp
anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó,
Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải
chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.21 Anh
sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên
chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.22 Vì danh Thầy, anh em
sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu
thoát.
*
Chúng ta thường vật lộn với sự chống đối để cố gắng sống một cuộc sống của
người Ki-tô hữu chân thực và vật lộn với tính hai lòng bao vây chúng ta. Chúa Giê-su biết điều này, tuy nhiên Người vẫn
sai chúng ta đem Tin Mừng cho thế giới đầy khó khăn này. Nhưng Chúa cũng hứa sẽ giúp đỡ chúng ta: Người bảo chúng ta đừng lo lắng!
*
Điều này chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta đang làm “vì Người”. Chúng ta đang làm môn đệ Chúa, theo Người
trên con đường Người đã đi. Tôi xin ơn sức
mạnh đến cùng, cho riêng tôi và cho những người đang chịu đau khổ làm chứng cho
Chúa Giê-su. Đặc biệt tôi nghĩ đến anh
chị em Ki-tô hữu bên Trung Đông.
_______________
Thứ Năm, ngày 27 tháng 12
Gio-an 20:1-8
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần,
lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi
mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức
Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi
chẳng biết họ để Người ở đâu."3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền
đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông
Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải
còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi.
Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu
Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng
ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi
vào. Ông đã thấy và đã tin.
*
Theo Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI mô tả:
“Phục Sinh giống như một cuộc khám phá ánh sáng”, một “biến cố vũ trụ”
liên kết trời với đất. Nhưng trên hết,
đó là một “cuộc khám phá tình yêu”. Nó mở
ra một chiều kích mới về hiện hữu…, nhờ đó phát xuất một thế giới mới”. Phục Sinh là một bước nhảy vọt lịch sử về sự
“tiến hóa” và về sự sống nói chung để tiến tới sự sống tương lai, tới một thế
giới mới khởi đầu từ Chúa Ki-tô; Phục
Sinh ấy đã thấm nhập vào thế giới này của chúng ta để biến đổi nó và lôi kéo nó
đến với mình”. Phục Sinh kết hợp chúng
ta với Thiên Chúa và với tha nhân. “Nếu
sống đúng như vậy, chúng ta sẽ biến đổi thế giới.
*
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói:
“Chúng ta tuyên xưng sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô khi ánh sáng của Người
chiếu soi những lúc tối tăm cuộc đời chúng ta và chúng ta có thể chia sẻ điều ấy
với người khác: khi chúng ta biết vui với
người vui và khóc với người khóc; khi
chúng ta bước đi bên cạnh những người đang buồn phiền và có nguy cơ đánh mất niềm
hy vọng; khi chúng ta kể lại kinh nghiệm
đức tin của mình với những người đang đi tìm ý nghĩa và hạnh phúc cuộc đời. Bằng thái độ, chứng từ, cuộc sống, chúng ta
nói rằng: Chúa Giê-su đã sống lại rồi! Vậy chúng ta hãy nói lên điều ấy với tất cả
tâm hồn mình”.
_______________
Thứ Sáu, ngày 28 tháng 12
Mát-thêu 2:13-18
Khi các nhà chiêm tinh đã ra về,
thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem
Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì
vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! "14 Ông Giu-se liền trỗi
dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở
đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng
ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy
mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi
giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống,
tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng
nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 "Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng
khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho
người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.
*
Bắt đầu với khung cảnh Thánh Gia bó buộc phải trốn sang Ai-cập, trong giờ
cầu nguyện tôi suy nghĩ về dân Do-thái đã có lúc chính họ phải làm nô lệ tại
Ai-cập và về sự kiện vua Pha-ra-ô đã quyết định phóng thích họ rồi lại rút lời cho
đến khi máu các con đầu lòng đã đổ ra ở mọi gia đình người Ai-cập.
*
Con đường dẫn tới tự do trọn vẹn (cho dân Ít-ra-en tại Đất Hứa) đã có những
khúc quanh quan trọng – giống như con đường trước mặt Chúa Giê-su; cách này hay cách khác, con đường trước mặt mỗi
người chúng ta cũng sẽ luôn có những khúc quanh quan trọng như vậy.
_______________
Thứ Bảy, ngày 29 tháng 12
Lu-ca 2:22-35
Khi đã đến ngày lễ
thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên
Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa
rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho
Chúa",24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một
đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có
một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong
chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông
đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi
được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên
Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã
truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và
chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói
về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà
Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho
nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời
chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ
ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
*
Theo lời ông Si-mê-ôn, Thần Khí Chúa, Đấng luôn làm chủ mọi biến cố, cuối
cùng đã được trực tiếp sai đến thế giới chúng ta do Chúa Giê-su lên trời.
*
Lạy Chúa, xin cho Thánh Thần Chúa ngự xuống trên con hôm nay. Như ông Si-mê-ôn, xin cho con cũng nhận ra rằng
Chúa đã đến dưới hình hài một trẻ em dễ bị tổn thương.