TUẦN V MÙA CHAY  (18 tháng 3 – 24 tháng 3 năm 2018)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Tiếp tục hy vọng

Viktor Frankl, nhà phân tâm học danh tiếng và nạn nhân sống sót từ trại tập trung Đức quốc xã, trong cuốn sách quan trọng Man’s Search for Meaning của ông, đã quan sát thấy rằng chỉ những ai đã có một lý do để kiên trì trong kinh nghiệm khủng khiếp về trại tập trung mới sống sót được;  còn những người đã mất niềm hy vọng sẽ chết sớm.  Trích dẫn Nietzsche, ông tin rằng “những ai có cái ‘tại sao’ để sống, đều chịu đựng được hầu như mọi cái ‘thế nào’ để sống”.  Đối với Frankl, sự hy sinh sẽ chịu đựng được khi nó có ý nghĩa.

          Các tác giả sách Tin Mừng mô tả Chúa Giê-su đương đầu với đau khổ bằng thái độ cương quyết, không chối bỏ thực tại đau khổ, nhưng chọn lựa đi vào đau khổ với “nét mặt đanh thép”.  Cả bốn thánh sử đều sử dụng ngôn từ của Thánh Vịnh 22, được coi như “một bài thơ về con người bị Thiên Chúa bỏ rơi” hoặc “lời cầu của một kẻ vô tội”.  Các ngài cũng mượn ngôn từ và chủ đề về người Tôi Trung của Đức Chúa trong sách I-sai-a, gồm luôn bài đọc hôm nay.  Các đoạn Kinh Thánh trên mô tả Chúa Giê-su đang hoàn tất những điều I-sai-a nói về một người giữa dân Ít-ra-en lưu đày tại Ba-by-lon, đã được kêu gọi “để tái lập các chi tộc Gia-cóp,
để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về
” (I-sai-a 49:6) hầu giúp cho ơn cứu độ của Thiên Chúa tiến đến tận cùng trái đất.  Chúa Giê-su trung thành cho đến chết.

          Nhớ lại cách thức Chúa Giê-su tiếp cận với cái chết của Người, thánh Phao-lô đã viết rằng bản thân ngài chẳng nghĩ gì về những đau khổ ngài phải chịu.

 

          Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ           lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ           một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên           Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

-  Rô-ma 8:38-39

 

          Bước theo Chúa Giê-su, và theo sự hiểu biết của thánh Phao-lô về ý nghĩa sự hy sinh của Chúa Giê-su, chúng ta cầu nguyện xin cho mình biết sống trung thành với Chúa chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta, biết hoàn toàn sẵn sàng đi tới bất cứ nơi nào Người kêu gọi chúng ta, không sợ những hậu quả của lời kêu gọi ấy.

-  Tim Muldoon, The Ignatian Workout for Lent

 

 

 

Sự hiện diện của Chúa

Lạy Chúa Giê-su, hôm nay con kêu lên Chúa, nhưng không phải để cầu xin điều gì cả.  Con chỉ muốn được ở trong sự hiện diện của Chúa.  Xin cho tâm hồn con biết đáp lại tình yêu của Chúa.

 

Sự tự do

Lạy Chúa là Đấng tạo dựng con, Chúa đã ban cho con sự sống và ơn tự do.  Nhờ tình yêu Chúa, con được hiện hữu trong thế giới này.  Xin cho con đừng bao giờ coi thường hồng ân sự sống.  Xin cho con luôn biết tôn trọng quyền sống của người khác.

 

Ý thức

Tôi tự hỏi hôm nay tôi thế nào.  Tôi có mệt mỏi, xuống tinh thần hoặc lo lắng không?  Nếu rơi vào một trong những điều nói trên, tôi có thể buông đi những lo lắng làm tôi khó chịu không?

 

Lời Chúa

Lời Chúa đến với chúng ta qua Kinh Thánh.  Xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con, để con biết đáp lại những giáo huấn của Tin Mừng.  (Xin bạn sang phần Kinh Thánh in ở những trang sau.  Những điểm gợi ý cũng có tại đó nếu bạn cần đến.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Kết thúc

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.

Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại.  A-men.

 

_______________

 

 

Tuần V mùa Chay

 

Chúa Nhật, ngày 18 tháng 3

Gio-an 12:20-33

 

Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp.21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su."22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su.23 Đức Giê-su trả lời: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."

27 "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha." Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa! "29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: "Đó là tiếng sấm! " Người khác lại bảo: "Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy! "30 Đức Giê-su đáp: "Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi."33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

 

*   Ước ao giản dị của những người Hy-lạp là muốn được gặp Chúa Giê-su.  Lạy Chúa, đó cũng là ước ao của con.  Vì thế con đã dành thời giờ này cho việc cầu nguyện.  Theo như lời cầu nguyện của thánh Inhaxiô, xin cho con biết Chúa rõ hơn, yêu mến Chúa nồng nàn hơn và theo Chúa sát hơn.

*   Lạy Chúa Giê-su, trong giờ cầu nguyện này, con hình dung Chúa đang gieo một hạt lúa vào bàn tay con.  Chúa và con nói về ý nghĩa của hạt lúa.  Thế rồi sau đó khi con ăn bánh thì hạt lúa sẽ mang ý nghĩa sâu xa hơn cho con.  Khi con chia sẻ Thánh Thể, con sẽ cố ý thức nó mang ý nghĩa sự sống của Chúa, sự sống được chúc phúc, được bẻ ra, được chia sẻ và được lãnh nhận để đem lại sự sống cho thế giới.

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 19 tháng 3

Lễ thánh Giu-se, Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a

Mát-thêu 1:16, 18-21, 24

 

Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

 

*   Thánh Mát-thêu mời gọi chúng ta suy nghĩ về việc Chúa Giê-su giáng sinh theo viễn tượng của thánh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a.  Thánh Giu-se thấy mình đứng giữa một khó khăn luân lý tiến thoái lưỡng nan khi nghe tin Mẹ Ma-ri-a đã mang thai, việc đã xảy ra “trước khi hai ông bà về chung sống”.  Là người công chính, thánh Giu-se muốn làm điều gì tốt nhất cho mọi người và là điều hòa hợp với thánh ý Chúa.  Một thiên thần được sai đến để soi sáng cho ngài.

*   Không phải mọi quyết định chúng ta phải đối diện trong cuộc sống đều rõ ràng hoặc đúng hoặc sai.  Nhưng có thể chúng ta phải hành động trong tình trạng luân lý giữa sáng và tối, hoặc cũng được gọi là những hoàn cảnh “không phân thắng bại” (là những hoàn cảnh chúng ta sẽ bị hiểu lầm bất kể chúng ta chọn lựa như thế nào).  Chúng ta cần nhờ đến kinh nghiệm của những người khác và cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn khôn ngoan.

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 20 tháng 3

Gio-an 8:21-30

 

Đức Giê-su lại nói với họ: "Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được."22 Người Do-thái mới nói: "Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: "Nơi tôi đi, các ông không thể đến được"? "23 Người bảo họ: "Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết."25 Họ liền hỏi Người: "Ông là ai? " Đức Giê-su đáp: "Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó.26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói."27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha.28 Người bảo họ: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người."30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

 

*   Cuộc tranh luận trở nên nóng bỏng.  “Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết”.  Rồi thêm nữa:  “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”.  Chúa Giê-su chịu treo trên thập giá là câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi “Ông là ai?”

*   Các bài đọc của những ngày này có lẽ cần được giản dị hóa khi chúng ta cầu nguyện.  Có thể bạn chỉ lấy một câu, hoặc thậm chí chỉ một cụm từ.  Thí dụ:  Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc”.  Hoặc bạn cứ ngồi thinh lặng với tất cả mầu nhiệm Chúa Giê-su là Đấng nào!

_______________

 

 

 

Thứ Tư, ngày 21 tháng 3

Gio-an 8:31-42

 

Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi;32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông."33 Họ đáp: "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do? "34 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi.36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do.37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông.38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói."39 Họ đáp: "Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham." Đức Giê-su nói: "Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm.40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm.41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm."42 Đức Giê-su bảo họ: "Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.

 

*   “Sự thật sẽ giải phóng các ông”.  Đây là một trong những lời tuyên bố của Chúa Giê-su được người ta trích dẫn thường xuyên nhất.  Nhưng ý nghĩa của “sự thật” là gì và ý nghĩa của “tự do” là gì?  Chúa Giê-su thảo luận những đề tài này với các thính giả của Người.  Cuộc thảo luận ấy vẫn tiếp tục tới ngày hôm nay giữa các tín hữu và cả những người ngoại đạo nữa.  Nhưng theo kinh nghiệm, lời tuyên bố ấy có hợp lý đối với bạn không?  Bạn có thể nêu ra một hoàn cảnh khi phải đối mặt với sự thật đã giải phóng bạn khỏi tâm trạng mất tự do, khỏi nghiện ngập, ám ảnh hoặc bóng tối nội tâm không?

*   Thánh Gio-an sau này sẽ còn viết rất nhiều về tình yêu trong sách Tin Mừng và trong các thư của ngài.  Nhưng việc ngài sử dụng từ ấy trong bài đọc hôm nay thật là một bất ngờ, làm như không đúng chỗ vậy.  Bạn có thấy thế không?

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 22 tháng 3

Gio-an 8:51-59

 

Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết."52 Người Do-thái liền nói: "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.53 Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? "54 Đức Giê-su đáp: "Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.55 Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người.56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ."57 Người Do-thái nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! "58 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

 

*   “Ông tự coi mình là ai?”  Cuộc tranh luận về căn tính của Chúa Giê-su vẫn tiếp tục.  Việc chất vấn không ngừng này cho thấy đề tài rất quan trọng, xưa cũng như nay.  Nhưng thay vì đưa người ta đến gặp gỡ nhau về tư tưởng, những lý lẽ của Chúa Giê-su lại khiêu khích địch thù của Người nhiều hơn nữa.  Cho nên “họ liền lượm đá để ném Người”.  Mạng sống của Chúa lúc này gặp nguy hiểm.  Bạn có hiểu được thái độ thù nghịch này đối với Chúa Giê-su không?

*   Tuy nhiên bạn hãy để ý lời tuyên bố “Tôi Hằng Hữu” của Chúa:  “Trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!”  Chúa Giê-su tuyên bố cả điều Người đã hiện hữu từ trước lẫn điều Người là một với Thiên Chúa.

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 23 tháng 3

Gio-an 10:31-42

 

Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su.32 Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? "33 Người Do-thái đáp: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa."34 Đức Giê-su bảo họ: "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: "Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh""?35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ,36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa"?37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha."39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó.41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng."42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

 

*   Tiếp theo lần thứ hai dọa ném đá Chúa Giê-su là âm mưu bắt Người.  Trong thời gian giữa hai việc ấy, cuộc tranh luận càng sôi động khiến người ta lên án Chúa đã “nói phạm thượng”.  Họ bảo Chúa Giê-su mang tội nói phạm thượng:  “Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.  Đúng thế, đây là cốt lõi của vấn đề.  Đức tin Ki-tô giáo quả quyết rằng Chúa Giê-su hoàn toàn là con người đồng thời cũng hoàn toàn là Thiên Chúa.

*   Chúa Giê-su cố gắng thuyết phục những kẻ nghe Người hãy chú ý đến những công việc Người làm và những lời Người nói.  Việc làm của Người là nói, giao tiếp, làm chứng, dạy dỗ, mặc khải.  Chúa Giê-su làm những việc này chỉ là do quyền năng và thánh ý của Chúa Cha.  Lời nói và việc làm của chúng ta có rõ ràng hướng về Thiên Chúa là Cha chúng ta không?

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 24 tháng 3

Gio-an 11:45-56

Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm.47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ.48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta."49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả,50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân,52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su.54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ.56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?"

*   Cai-pha là người phái Xa-đu-kêu – tàn nhẫn, đầu óc chính trị, quyết tâm chống đỡ cho gia thế và những đặc quyền của giai cấp giàu có.  Ông lúc nào cũng sử dụng lý lẽ của kẻ mạnh:  nhân danh công ích, chúng ta phải tận diệt tên gây rối quái gở ấy.  Nhưng Cai-pha đã khôn khéo phát ngôn:  Thà một người là tên Giê-su chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt, kể cả tôi lẫn các bạn.

*   Những kẻ được chỉ định để làm lãnh đạo tinh thần cộng đồng giờ đây đã âm mưu giết Chúa Giê-su.  Việc ấy có khiến bạn ngỡ ngàng không?  Tại sao có hoặc tại sao không?  Bạn có biết những nhà lãnh đạo nào khác, tinh thần cũng như dân sự, đã rơi vào cái gương xấu xa ấy không?

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space