TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN (4 –
10 tháng 2 năm 2018)
Điều
suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:
Thiên Chúa trong cuộc sống
Nếu
chúng ta tin rằng sự hiện diện của Thiên Chúa đã làm cho mọi tạo vật được hiện
hữu và như thế là tốt, thì tiếp theo là vị Thiên Chúa này yêu thương chúng ta
vô điều kiện và chỉ nhìn thấy sự tốt lành của chúng ta mặc cho những sa ngã con
người. Tình yêu Thiên Chúa yêu chúng ta
không tùy thuộc vào những gì chúng ta có, vào vẻ bề ngoài, hoặc những thành quả
của chúng ta.
Thánh Inhaxiô Loyola, người đã để lại
cho chúng ta Linh Thao là phương pháp được sử dụng để giúp huấn luyện con người
trong đường thiêng liêng gần năm thế kỷ nay, đã mô tả những tình trạng lành mạnh
và quân bình của đời sống thiêng liêng này như sau:
* Không vướng mắc các sự vật và nỗi lo lắng của
thế gian này.
* Được sự tự do thiêng liêng thoát khỏi mọi điều
làm chúng ta xa rời mục đích tối hậu của cuộc đời, hầu chú tâm vào điều cốt yếu
là mối tương quan mỗi ngày một sâu xa hơn với Chúa.
* Khả năng đã được tập tành để tìm thấy sự hiện
diện của Chúa “trong mọi sự” trong những tình huống thường ngày của chúng ta.
Khi tìm cách nhận ra Chúa hiện diện
trong suốt cuộc đời, chúng ta là con người sẽ ý thức hơn rằng đó không phải là
tất cả về chúng ta. Lúc ấy chúng ta bắt
đầu nhận ra rõ ràng hơn điều gì là quan trọng và những gì là các thần giả dối của
chúng ta. Cuộc sống con người chúng ta
trên mặt đất này cần nhiều thứ để sinh tồn, nhưng nếu chúng ta giải thoát được
mình khỏi vướng mắc vào những cái chóng qua, thì hạnh phúc của chúng ta càng
sâu xa hơn.
- Susan V.
Vogt, Blessed by Less
Sự hiện diện của Chúa
“Hãy
đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang mệt mỏi và mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho
các ngươi được nghỉ ngơi”. Lạy Chúa, này
con đến để tìm sự hiện diện của Chúa.
Con mong đợi sức mạnh chữa lành của Chúa.
Sự tự do
Thiên
Chúa không xa lạ gì với sự tự do của tôi.
Chúa Thánh Thần thổi sự sống vào tận những ước ao thầm kín nhất của tôi,
nhẹ nhàng thúc đẩy tôi tiến tới tất cả những gì là tốt lành. Tôi xin Chúa ban ơn giúp tôi nhờ Thánh Thần để
biết mở lòng ra.
Ý thức
Tôi tự
nhắc nhở mình đang ở trước sự hiện diện của Chúa. Tôi sẽ nương náu trong trái tim yêu thương của
Chúa. Người là sức mạnh tôi những khi
tôi yếu đuối. Người an ủi tôi những khi
tôi sầu khổ.
Lời Chúa
Tôi
dành thì giờ để đọc Lời Chúa chậm chậm, vài lần, để tôi dừng lại ở điểm nào
đánh động tôi. (Xin bạn lấy phần Kinh
Thánh in ở những trang sau. Những điểm gợi
ý sẵn ở đó nếu bạn cần. Khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục).
Tâm sự với Chúa
Lạy
Chúa Giê-su, Chúa luôn tiếp đón các trẻ nhỏ khi Chúa sống trên mặt đất
này. Xin Chúa dạy con có lòng tin tưởng
nơi Chúa như trẻ nhỏ. Xin Chúa dạy con sống
mà biết rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi con.
Kết thúc
Vinh
danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Tự
muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.
Tuần 5 mùa Thường niên
Chúa Nhật, ngày 4 tháng 2
Mác-cô 1:29-39
Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai
ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.30
Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói
cho Người biết tình trạng của bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà
đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.32 Chiều đến, khi
mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho
Người.33 Cả thành xúm lại trước cửa.34 Đức Giê-su chữa
nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói,
vì chúng biết Người là ai.35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người
đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.36 Ông Si-môn và
các bạn kéo nhau đi tìm.37 Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi
người đang tìm Thầy đấy! "38 Người bảo các ông: "Chúng ta
hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa,
vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó."39 Rồi Người đi khắp miền
Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
* Chúa Giê-su ra đi rao giảng và khu trừ ma quỷ. Rồi chúng ta được hiểu rằng về phương diện thực
hành cả hai điều cũng là một và hiểu rằng không phải chỉ là trừ quỷ (ở đây nó
muốn lên tiếng), mà thậm chí ngay cả bệnh tật đau yếu cũng phải biến đi nữa. Chúa Giê-su đang đi vào cuộc chiến đối đầu với
vương quốc của ma quỷ.
* Khi tôi cảm thấy yếu đuối trước những biến cố
bên ngoài cũng như trước những khuynh hướng ngoan cố trong tâm hồn, tôi cầu xin
Chúa Giê-su, Đấng mạnh mẽ, đến bênh đỡ tôi.
_______________
Thứ Hai, ngày 5 tháng 2
Mác-cô 6:53-56
Khi
qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và
lên bờ.54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra
Đức Giê-su.55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu
cáng bệnh nhân đến đó.56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị
hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin
Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến,
thì đều được khỏi.
* Lạy Chúa Giê-su, con chẳng muốn người ta nghĩ
con là một kẻ lạm dụng, tức một kẻ ích kỷ chỉ biết đục khoét gia đình, bạn bè,
giáo hội và cả Chúa nữa. Còn nếu con thấy
mình bị lạm dụng thì con thù hận. Nhưng
trong khung cảnh Tin Mừng hôm nay, Chúa bị lạm dụng tới mức kiệt sức, rồi Chúa
phản ứng khi Chúa dạy chúng con cách phản ứng không chút thù hận.
* Lạy Đấng chữa lành cao cả, xin giúp con nhìn
đám đông dân chúng như những người đang thiếu thốn, như những người Chúa yêu
thương. Xin cho con biết nhận ra họ cần
Chúa hơn là họ đòi hỏi nơi con.
_______________
Thứ Ba, ngày 6 tháng 2
Mác-cô 7:1-13
Có
những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những
người từ Giê-ru-sa-lem đến.2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa
mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng
như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì,
khi chưa rửa tay cẩn thận;4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy
nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ
và các đồ đồng.5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su:
"Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô
uế mà dùng bữa? "6 Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật
đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô
ích, vì
giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. 8 Các ông gạt bỏ điều răn của
Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm."9 Người còn
nói: "Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền
thống của các ông.10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ
cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!11 Còn
các ông, các ông lại bảo: "Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con
có để giúp cha mẹ đều là "co-ban" nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho
Chúa" rồi,12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp
cha mẹ nữa.13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại
cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy
nữa!"
* Cùng với các môn đệ ít học, Chúa Giê-su tiếp
xúc với nhóm Pha-ri-sêu ưa lý sự từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ là những người cầm cân nảy mực về luật lệ
liên quan tới việc thanh tẩy và cũng là những người khinh thường những ai không
biết họ. Là Ki-tô hữu, chúng ta có thể đặt
ra những tiêu chuẩn riêng để xác định điều gì là kính sợ Chúa và đáng tôn trọng,
nhưng lại quên mất rằng tâm hồn mới là quan trọng.
* Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn nhìn xuyên thấu
những cái vỏ bề ngoài của cách đối xử, để nhận ra tình yêu và sự tốt lành nằm
bên dưới cái vỏ ấy. Xin Chúa ban cho con
cái nhìn giống như vậy khi con đối xử với những người khác nhau mà con gặp gỡ.
_______________
Thứ Tư, ngày 7 tháng 2
Mác-cô 7:14-23
Sau
đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói
đây, và hiểu cho rõ:15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con
người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người
xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.16 Ai có tai nghe thì
nghe!" 17 Khi Đức Giê-su đã rời đám
đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.18 Người nói với
các ông: "Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu
sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con
người ra ô uế,19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người
ta, rồi bị thải ra ngoài? " Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều
thanh sạch.20 Người nói: "Cái gì từ trong con người xuất ra,
cái đó mới làm cho con người ra ô uế.21 Vì từ bên trong, từ lòng người,
phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,22 ngoại
tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông
cuồng.23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và
làm cho con người ra ô uế."
* Đối với Chúa Giê-su, cuộc chiến giữa thiện
và ác chính là tâm hồn con người, kể cả tâm hồn tôi! Tâm hồn tôi trong sạch thế nào? Trong Thánh Vịnh 51, tôi xin Chúa tạo trong
tôi một trái tim trong sạch. Đó không phải
là điều tôi tự sức mình làm được, giống như tôi đã cố gắng trở nên đáng tôn trọng
trước khi tôi gặp Chúa trong giờ cầu nguyện.
* Tôi biết sự khác biệt giữa những ngón tay sạch
và những ngón tay dơ bẩn. Tâm hồn chúng
ta cũng có thể bị dơ bẩn. Chúng ta có thể
tham lam, làm hư hại đồ đạc của người khác, và để lại vết nhơ của chúng ta cho
họ. Chúng ta có thể gây khó khăn cho người
khác, hạ nhục họ và làm cho họ phải khóc lóc.
Lạy Chúa, Chúa kể ra mười hai ý xấu làm cho một người ra ô uế. Xin Chúa tỏ ra cho con biết một ý xấu con cần
phải xét lại ngay bây giờ!
_______________
Thứ Năm, ngày 8 tháng 2
Mác-cô 7:24-30
Đức
Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn
cho ai biết, nhưng không thể giấu được.25 Thật vậy, một người đàn bà
có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới
chân Người.26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà
xin Người trừ quỷ cho con gái bà.27 Người nói với bà: "Phải để
cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho
chó con."28 Bà ấy đáp: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con
ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con."29
Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con
gái bà rồi."30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và
quỷ đã xuất.
* Trong các sách Tin Mừng, chỉ có người đàn bà
không phải là người Do-thái này là hiểu rõ Chúa Giê-su hơn. Là một phụ nữ kiên quyết, bà hành động lập tức
khi bà nghe nói về Chúa. Bà cảm nhận mạnh
mẽ về bản thân mình; nhận xét mang tính
cách khinh thường của Chúa không làm cho bà tự ti mặc cảm. Bà bám chặt lấy điều bà muốn: đó là con gái bà sẽ được chữa lành. Cuộc đối thoại giữa Chúa và bà dạy tôi biết một
điều về tính cách trực tiếp của cầu nguyện.
Cầu nguyện phải là cuộc gặp gỡ giữa người này với người kia.
* Dường như Giáo Hội sơ khai đã phải nhắc nhở
rằng mình có bổn phận phải đến với Dân ngoại.
Bởi đó mà câu chuyện này mới được ghi chép lại. Ngày nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo chúng ta
rằng mọi người đều phải là người rao giảng Tin Mừng, phải đến với những người
xa lạ. Chân trời của Chúa Giê-su được mở
rộng trong khung cảnh này; vậy đâu là những
cách thức chân trời của tôi được mở rộng tại nơi này và trong lúc này?
_______________
Thứ Sáu, ngày 9 tháng 2
Mác-cô 7:31-37
Đức
Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32
Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt
tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón
tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người
ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy
mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta
nói được rõ ràng.36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó
với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37 Họ
hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm
cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."
* “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến
với Chúa Giê-su”. Tôi thường đem người
khác đến trước mặt Chúa, cầu xin Chúa cho họ được lành bệnh, và điều ấy là tốt. Vậy tôi có thể để người khác đem tôi đến với
Chúa không? Tôi có xin người khác cầu
nguyện cho tôi không?
* Tôi hãy dành một ít phút để ở với người khuyết
tật này. Tôi tưởng tượng mình đang ở trước
mặt Chúa Giê-su, chăm chú nhìn Người nhưng không nghe được Người nói, cũng chẳng
nói được với Người. Tôi chỉ có thể nhìn
thấy Chúa thôi, nên tôi đi theo Người tới một chỗ yên tĩnh, cảm giác thấy ngón
tay Người trong tai tôi và trên lưỡi tôi.
Bỗng nhiên thế giới âm thanh mở ra cho tôi và lưỡi tôi được giải
thoát. Vậy những lời đầu tiên của tôi là
những lời nào?
_______________
Thứ Bảy, ngày 10 tháng 2
Mác-cô 8:1-10
Trong
những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi
các môn đệ lại mà nói:2 "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ
ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!3 Nếu Thầy giải
tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có
những người ở xa đến."4 Các môn đệ thưa Người: "Ở đây,
trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no? "5 Người
hỏi các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? " Các ông đáp: "Thưa có
bảy chiếc."6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm
lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn
ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông.7 Các ông cũng có mấy con cá
nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra.8 Đám
đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ!9
Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ.10 Lập tức,
Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.
* Chúa Giê-su nói: “Thầy chạnh lòng thương”. Tôi cũng cần đến lòng Chúa thương xót nữa. Lòng thương có nghĩa là khi đối diện với cảnh
khốn khổ, bạn bị đánh động “tới tận gân cốt” rồi bạn cố gắng ra tay giúp đỡ người
ta. Có khi nào tôi cảm nghiệm được lòng
thương xót từ một người khác, như cha mẹ, một người bạn, một y tá, một thầy hay
cô giáo không? Tôi có cảm nhận được lòng
Chúa thương xót tôi không? Nhưng quả thực,
nếu tôi không nhận ra được những nhu cầu của tôi, thì lòng thương xót của người
khác cũng sẽ vô nghĩa thôi.
* “Lấy đâu ra bánh cho những người này ăn
no?” Các môn đệ chưa hiểu được rằng đối
với Thiên Chúa không có gì là không thể.
Chúa Giê-su không trách họ; trái
lại, Người còn làm cho bánh hóa ra thật nhiều.
Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa hào phóng. Sau này trong cuộc Thương khó, cũng chính Người
là Đấng trở nên tấm bánh được cầm lấy, chúc phúc, bẻ ra và trao cho. Đường lối cuộc đời tôi cũng phải giống như vậy. Tôi phải được cầm lấy, chúc phúc, bẻ ra và
trao cho, giống như Chúa Giê-su cho tới khi tôi trở nên trống rỗng, nhưng lại
được đầy tràn tình yêu một cách nhiệm mầu.