TUẦN VI PHỤC SINH  (ngày 6 – 12 tháng 5 năm 2018)

 

Đây là thời điểm

Vào mùa Xuân, công việc của tôi, một hạt giống, là hình dung ra việc sinh hoa kết trái và cương quyết thực hiện được điều ấy.  Phận sự của tôi là hút khí trời vào và cảm nhận được đất và sự chín muồi, để hiểu được điều có thể xảy ra.

Vào mùa Xuân, công việc của tôi nào là tưởng tượng, nào là đào xới rồi lại đào xới, nào là cảm nghĩ và lắng nghe, là ngửi và nếm.

Đây là thời gian để học hỏi những ao ước của mình và đem ra thực hiện.

Mùa Xuân là thời gian để trắc nghiệm sức mạnh của mình và trải ra các tư tường mình,

để giơ cao tay, mở rộng tâm hồn,

để chào mời ánh sáng mặt trời, gió, mưa rào, sự thinh lặng, đêm tối,

để rồi tham gia vào một thế giới đang thức dậy.

- Bạn hãy xem cuốn băng video về suy tư trên, do Vinita Hampton Wright thực hiện

http://www.ignatianspirituality.com/18718/the-tasks-of-spring

 

 

Sự hiện diện của Chúa

“Hãy thinh lặng và biết rằng Ta là Thiên Chúa!”  Lạy Chúa, lời Chúa dẫn đưa chúng con tới sự tĩnh lặng và cao cả trong sự hiện diện của Chúa.

 

Sự tự do

                   Xin để tôi đây,

                   một mình trong phòng tối,

                   không ánh sáng mặt trời,

                   cũng chẳng có một người,

                   sẽ nói chuyện với tôi. 

                   Nhưng chính thinh lặng ấy,

                   đã giải thoát tôi rồi!

- Trích từ một bài thơ của Chân phước Titus Brandsma,

được sáng tác đang khi ngài là một tù nhân trong trại tập trung Dachau

 

Ý thức

Biết rằng Chúa yêu thương tôi vô điều kiện nên tôi có thể trung thực nhận biết mình như thế nào.

Ngày hôm nay đã như thế nào và hiện giờ tôi cảm thấy ra sao?  Tôi cởi mở chia sẻ những cảm nghĩ của tôi với Chúa.

 

Lời Chúa

Tôi dành thì giờ để đọc chậm chậm lời Chúa vài lần, để cho mình dừng lại ở bất cứ điều nào đánh động mình.  (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.  Những điểm gợi ý có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Khi đã sẵn sàng rồi, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa, đôi khi con nghĩ không biết phải nói gì nếu như con được gặp mặt Chúa.

Con nghĩ con có thể thưa “Tạ ơn Chúa” bởi vì Chúa luôn ở đấy với con.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi đã cùng ở với nhau và về những ơn soi sáng của Người giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh này.

TUẦN VI PHỤC SINH

 

Chúa Nhật, ngày 6 tháng 5

Gio-an 15:9-17

 

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

 

*  Niềm vui không phải là một cảm xúc rõ rệt để liên kết với việc tuân giữ các giới răn Thiên Chúa!  Tuy nhiên khi tuân giữ giới răn trọng nhất trong các giới răn, chúng ta sẽ cho và nhận chính tình yêu mà cha Teilhard de Chardin, linh mục dòng Tên, đã diễn tả như là “sức mạnh phổ quát nhất, dũng mạnh nhất và bí nhiệm nhất trong các sức mạnh của vũ trụ”.  Tình yêu là một năng lực tâm linh tiên khởi và phổ quát của con người.  Tình yêu là một kho tàng dự trữ năng lực thánh thiêng;  tình yêu tựa như máu huyết của cuộc tiến hóa thiêng liêng vậy.

*  Cùng với cha Teilhard, tôi cầu nguyện:  “Lạy Đức Ki-tô vinh hiển, ảnh hưởng của Thiên Chúa nơi Chúa đang hoạt động trong tận cốt lõi của vật chất, và trong tâm điểm của sự kết hợp vô vàn những sợi nhỏ;  sức mạnh của Chúa thì không thể diễn tả được tựa như thế giới và ấm áp giống như sự sống… Bàn tay Chúa đang nắm giữ các vì tinh tú;  Chúa là đầu và là cuối, là kẻ sống kẻ chết và đấng phục sinh;  chính Chúa là Đấng con người chúng con dâng lên một ước vọng bao la như vũ trụ.  Trong chân lý, Chúa là Chúa của chúng con và Thiên Chúa của chúng con!  A-men”.

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 7 tháng 5

Gio-an 15:26 – 16:4

 

Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã.2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy.4 Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

 

*  Các môn đệ có thể làm chứng cho Chúa Giê-su vì họ đã từng sống và làm việc cùng với Chúa.    Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giê-su hứa sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với họ sau khi Chúa về trời.  Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa Giê-su là vì chứng từ của các môn đệ đã được truyền lại cho chúng ta.  Rồi Thánh Thần của Thiên Chúa đã được ban cho các môn đệ nay cũng được ban cho chúng ta nữa.

*  Thánh Thần được tông đồ Phao-lô mô tả như là “Đấng an ủi chúng ta trong mọi cơn gian nan khốn khó, để chúng ta có thể an ủi những người gặp khốn khó, nhờ sự an ủi chính chúng ta đã nhận được từ nơi Thiên Chúa”.  Lạy Chúa Thánh Thần, xin Chúa thúc đẩy cuộc đời con để con biết chia sẻ sự an ủi Chúa đã ban cho con.

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 8 tháng 5

Gio-an 16:5-11

 

Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: "Thầy đi đâu?6 Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền.7 Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.8 Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử:9 về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy;10 về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa;11 về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

 

*  Những lời này của Chúa Giê-su nói trong Bữa Tiệc Ly phản ánh một số ưu phiền trĩu nặng trong bữa ăn, bao trùm một mầu đen tối vì các môn đệ ý thức rằng họ sắp mất Chúa Giê-su rồi.  Những điều Chúa nói với họ cũng áp dụng cho chúng ta:  Chúa Giê-su ở lại với chúng ta qua Thánh Thần của Người, là Đấng Bảo Trợ ngự trong chúng ta, và liên kết chúng ta với Chúa Cha như Người liên kết Chúa Giê-su với Chúa Cha.

*  Trong những nỗi ưu phiền của con, lạy Chúa, đôi khi con quên rằng Đấng Bảo Trợ đang ở với con. Xin Chúa khích lệ trí nhớ của con và làm cho đức tin của con được mạnh mẽ.

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 9 tháng 5

Gio-an 16:12-15

 

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

 

*  Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là tâm điểm của đoạn Tin Mừng này.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng “trong cuộc đời Ki-tô hữu, mọi sự đều xoay quanh mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và mọi sự được hoàn tất trong mầu nhiệm vô biên này.  Vậy chúng ta hãy tìm cách đề cao ‘sắc thái’ của cuộc đời chúng ta, luôn nhắc nhở mình về đích tới, về vinh quang mà chúng ta hiện hữu, làm việc, phấn đấu, chịu đau khổ là vì vinh quang ấy;  nhắc nhở mình về phần thưởng vô cùng lớn lao mà chúng ta được mời gọi để lãnh nhận”.

*  Thánh Augustinô đã đúc kết cốt lõi đức tin của Giáo Hội vào mầu nhiệm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong một khẳng định đơn giản:  “Nếu bạn thấy được đức ái thì bạn thấy được Ba Ngôi Thiên Chúa”.  Lạy Chúa, xin Chúa mở mắt con để con nhận ra được hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời con.

_______________

 

Thứ Năm, ngày 10 tháng 5

Lễ Chúa Giê-su Lên Trời

Mác-cô 16:15-20

 

Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 

*  Chúng ta rao giảng điều gì?  Tin Mừng.  Cho ai?  Cho mọi loài thọ tạo.  Và Tin Mừng ấy là gì?  Có phải đó là mớ giáo lý phúc tạp lôi kéo chúng ta vào cuộc tranh cãi với người khác hay không?  Lạy Chúa Thánh Thần, xin Chúa giúp con nhận ra sự giản dị và vẻ đẹp của Tin Mừng.

*  Chúa Giê-su nói rằng nhờ danh Người thì những việc lạ lùng sẽ xảy ra.  Tôi cảm nhận thế nào về phần này trong sứ điệp của Chúa trong những câu Tin Mừng ấy?  Tôi có cảm thấy thoải mái – hoặc không thoải mái – với tư tưởng về những việc lạ lùng vẫn tiếp tục xảy ra ngày nay không?

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 11 tháng 5

Gio-an 16:20-23

 

Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.

 

*  Trong cả bốn sách Tin Mừng, việc nhấn mạnh đến cuộc Thương khó của Chúa Giê-su hầu như làm lu mờ phần nào trình thuật về Phục sinh của Chúa.  Giáo lý của Giáo Hội thường đề nghị chúng ta tìm kiếm Chúa trong đau khổ, nhưng ít khi nói đến tìm kiếm Chúa trong niềm vui.  Tuy nhiên không khi nào Chúa Giê-su coi đau khổ tự nó như là một kết thúc, nhưng Người đã chịu đau khổ thập giá là “vì niềm vui đã có sẵn trước mắt Người”.  Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ hãy ở lại trong tình yêu của Người, “để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”.

*  Theo cha Teilhard de Chardin, niềm vui là một dấu chỉ không thể nhầm lẫn nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa.  Lạy Chúa, xin cho niềm vui của Chúa được phong phú trong tâm hồn chúng con!

_______________

 

Thứ Bảy, ngày 12 tháng 5

Gio-an 16:23-28

 

Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.25 Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em.27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha."

 

*  Khi Chúa Ki-tô chết trên thập giá, tấm màn trong Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem đã xé làm đôi.  Đó là một biến cố mang tính cách rất biểu tượng.  Tấm màn là vật ngăn cách nơi cực thánh với phần còn lại của Đền Thờ, không cho người ta vào trước sự hiện diện của Thiên Chúa.  Giờ đây con đường dẫn đến sự hiện diện của Thiên Chúa đã được mở ra vĩnh viễn nhờ cái chết của Chúa Ki-tô.  Khi cầu nguyện, chúng ta có thể trực tiếp đến gần Thiên Chúa nhân danh Chúa Giê-su.

*  Chúng ta không cần lo lắng phải nói điều gì hoặc ngôn ngữ nào.  Điều quan trọng là cầu nguyện. Được Chúa soi sáng, ngôn sứ I-sai-a đã viết:  “Trước khi chúng kêu cứu, Ta đã nhậm lời;  chúng còn chưa nói ra, Ta đã nghe rồi”.  Tôi có thực sự tin rằng Chúa còn đi trước cả những lời cầu nguyện và những ước muốn của tôi không?

 

 

 

 

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space